(HNM) - Cùng với thế giới, Mỹ Latin đang náo nức đón chào một năm 2012 đang đến và tạm biệt năm 2011 nhiều thăng trầm nhưng cũng đầy ý nghĩa.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các nước Mỹ Latin và Caribbe (gồm 33 quốc gia) có một tổ chức riêng hoàn toàn độc lập với hai gã khổng lồ phương Bắc là Mỹ và Canada. Hội nghị Thượng đỉnh CELAC lần thứ nhất, một liên minh mới trong khu vực (không bao gồm Mỹ và Canada), được coi là cơ chế hội nhập mới thay thế Tổ chức Các nước Châu Mỹ (OAS) vốn thường xuyên bị chỉ trích chịu sự thao túng của Mỹ. CELAC là sự kiện để các nước Mỹ Latin và Caribbe khẳng định một con đường riêng trước hai cường quốc cùng châu lục trên.
Tổ chức Celac chính thức thành lập ngày 2-12-2011 đã khẳng định một lối đi riêng cho các nước Mỹ Latin và Caribbe. |
Thực tế trong năm 2011 vừa qua, thành công rõ ràng nhất là việc hầu như không có nước Mỹ Latin nào phải chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ và Châu Âu hiện nay bởi vì họ đã tìm ra được những con đường khác để khẳng định chủ quyền để xây dựng và củng cố đất nước. Từ quan điểm trên, CELAC ra đời được coi là sự lựa chọn chính trị nhằm tìm kiếm độc lập cho lục địa này, cũng như thiết lập những chiến lược phát triển chung. Nói cách khác, CELAC chỉ là kết quả cuối cùng của một quá trình dài Mỹ Latin tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng quá mạnh của Mỹ. Quá trình đó càng được đẩy tới khi nổi lên làn sóng cánh tả nắm quyền trong khu vực từ Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Ecuador… cho đến Uruguay, Paraguay và Costa Rica. Về kinh tế, báo cáo kinh doanh quốc tế (IBR) sau khi tham khảo ý kiến của 11 nghìn nhà lãnh đạo các công ty lớn và trung bình ở 39 nước trên khắp thế giới cho biết, Mỹ Latin có tỷ lệ nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp lạc quan nhất về triển vọng kinh doanh của khu vực này trong năm 2011. Hơn thế, viễn cảnh Washington sẽ "mất" dần Mỹ Latin trong một tương lai không xa dường như ngày càng rõ khi khu vực này đang thành "vùng đất mới" trong quan hệ với Trung Quốc. Là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và Chile; đồng thời tăng cường ngoại giao, viện trợ kinh tế cho Venezuela và Nicaragua, Trung Quốc hứa hẹn một tiềm năng không nhỏ ở nơi từ lâu chịu ảnh hưởng của Mỹ. Rõ ràng, cho dù vẫn còn mâu thuẫn và tìm kiếm cách thức, đối tác, nhưng Mỹ Latin đang trải qua một giai đoạn vô cùng sôi động và cũng đã đạt được không ít thành quả, giải quyết được những vấn đề từng tồn tại trong nhiều năm.
Tuy nhiên, để đóng một vai trò lớn hơn trên thế giới, khu vực này còn phải vượt qua không ít rào chắn và những trở ngại không nhỏ đó là tiếp tục cải thiện khoảng cách về thu nhập, nơi mà 10% số người giàu nhất chiếm tới 48% tổng thu nhập trong khu vực. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thách thức đối với khu vực Mỹ Latin hiện nay là đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và đổi mới để nâng cao đời sống cho người dân trong khu vực. Một thách thức khác quan trọng hơn cả là bên cạnh xu hướng liên kết, xích lại gần nhau giữa một số nước, giữa các nhóm nước trong khu vực để tăng cường sức mạnh thì những cuộc đảo chính, những xung đột, tranh chấp lãnh thổ, cũng như những căng thẳng về chính trị, ngoại giao ở một số quốc gia Mỹ Latin trong thời gian qua là những yếu tố rất bất lợi cho tăng trưởng và phát triển. Không thể không nhắc đến tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy tại Mỹ Latin rất phức tạp. Hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với quy mô lớn, cùng sự thanh toán, bài trừ lẫn nhau giữa các băng nhóm tội phạm này là vấn đề rất nhức nhối, đe dọa an ninh và ổn định xã hội ở nhiều nước trong khu vực. Cuối cùng là sự ảnh hưởng và can thiệp từ phía Mỹ tại Mỹ Latin. Có một nghịch lý là, quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ Latin - Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng dù cho tâm lý phản kháng và xu hướng muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ có chiều hướng lan rộng. Mỹ hiện là đối tác số 1 và có vai trò kinh tế quan trọng tại khu vực. Thêm vào đó, Mỹ đang cố gắng thay đổi cách ứng xử với khu vực dựa trên lập luận rằng, Mỹ Latin "rất đa dạng" và Mỹ không thể "áp dụng một chính sách như nhau với tất cả các quốc gia". Khó có thể khẳng định rằng, cách ứng xử "mềm dẻo", có phân biệt đó sẽ không gây chia rẽ, không ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa các nước trong khu vực.
Khép lại một năm cũ, khu vực Mỹ Latin nói riêng và thế giới nói chung đang chào đón một năm mới với những niềm hy vọng mới. Trên bình diện một thế giới rộng lớn đang đi lên phía trước, nhưng với những diễn biến phức tạp khôn lường thì một Mỹ Latin mang nhiều khí sắc và đường nét mới, dù còn đứng trước nhiều rào chắn, trở ngại, đã khẳng định một động lực mới của khu vực. Và Mỹ Latin được dự báo sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn hơn trong một thế giới đang chuyển động theo xu hướng đa cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.