Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thực hiện mô hình mới bằng tư duy cũ

Vũ Thủy| 30/08/2013 07:30

(HNM) - Đây đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như người dân TP Hồ Chí Minh bởi nếu được chấp thuận và thực thi, nội dung đề án sẽ tác động trực tiếp đến mọi bình diện của cuộc sống.

Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã thẳng thắn cho rằng, điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công mô hình thí điểm chính quyền đô thị phải là nguồn nhân lực, không bê nguyên bộ máy cán bộ với tư duy kiểu cũ để thực hiện mô hình mới…

Xây dựng chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh tránh hiện tượng " nhập lại tách, tách lại nhập".


Đào tạo chuyên viên hành chính chuyên nghiệp

Chủ tịch Hội Vật lý TP Hồ Chí Minh Đặng Văn Phan rất băn khoăn về việc trong dự thảo đề án không nhắc tới công tác cán bộ, trình độ như thế nào? Cán bộ cấp quản lý ra sao? Ông cho rằng, con người phục vụ mô hình đô thị mới phải có trình độ quản lý đô thị chứ không chỉ có kinh nghiệm quản lý nông thôn. Các cấp chính quyền TP Hồ Chí Minh phải xem chính quyền đô thị là động lực thúc đẩy đất nước phát triển chứ không đơn thuần là việc chuyển đổi bộ máy từ cũ sang mới. Bởi vậy, ngay thời điểm này đã phải chọn lựa, đào tạo những chuyên viên hành chính chuyên nghiệp gắn với mô hình chính quyền đô thị mới.

Đồng tình về lĩnh vực này, ông Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đề án liên quan đến nhân dân và mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, vì thế cần đánh giá, so sánh với chính quyền hiện nay để tìm ra cái hay, cái dở. Nhân sự phục vụ cho mô hình mới phải được đào tạo phù hợp, không thể cán bộ của bộ máy cũ chuyển qua bộ máy mới có thể làm được ngay. Nếu vẫn giữ tư duy cũ, thói quen cũ thì không thể hiện được cái hay của đề án. Đề án có thể "vỡ" bởi ý tưởng hay nhưng người làm dở. Cũng bàn về công tác cán bộ, PGS.TS Lê Kế Lâm đặt câu hỏi với Ban soạn thảo, liệu trong mô hình mới, người có tài, đạo đức, sức khỏe có tự ứng cử chức chủ tịch UBND, hoặc tiến tới người dân trực tiếp bầu chức danh này được không? Theo ông, dự thảo đề án cần bổ sung "sơ đồ tổ chức bộ máy" và "sơ đồ mối quan hệ". Khi xây dựng được sơ đồ mối quan hệ khoa học, kín kẽ sẽ là "kim chỉ nam" cho việc thực thi chính quyền đô thị cả hiện tại và tương lai theo hướng công khai, dân chủ, công bằng - một chính quyền vì dân, của dân.

Tránh "nhập lại tách, tách lại nhập"

Một số nhà khoa học đề nghị với Ban soạn thảo, cần thống nhất "danh xưng" chính quyền đô thị của thành phố. Nên để danh xưng UBND cho các cấp chính quyền có HĐND và không có HĐND. Nếu đổi tên UBND của các quận, huyện thành Ủy ban hành chính thì rất tốn kém, lãng phí. Ông Đặng Ngọc Phan đặt vấn đề, đề án chưa đề cập thật rõ chính quyền đô thị khác với chính quyền nông thôn? Có phải hệ thống chính quyền hai cấp ở thành phố là đặc thù của TP Hồ Chí Minh hay cho các đô thị cả nước và trên thế giới. Bởi, mô hình quản lý của TP Hồ Chí Minh hiện nay giống như các tỉnh khác cho dù dân số đông hơn nhiều lần, vậy đúng hơn cách quản lý ở thành phố vẫn giống với chính quyền các địa phương khác. Cũng theo ông Phan, ở nước ta, bên cạnh khái niệm chính quyền thì còn có khái niệm hệ thống chính trị. Trong hệ thống chính trị có Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các đoàn thể là thành viên. Như vậy, dù đổi mới thì cũng phải nhìn toàn diện cả hệ thống; cần bàn kỹ xem không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì ở đó có cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể không? TP Hồ Chí Minh phải đánh giá, nghiên cứu sao cho bộ máy chính quyền mới phải phù hợp với thể chế chính trị, đoàn thể, tránh hiện tượng "nhập lại tách, tách lại nhập", lãng phí công sức.

Trước những ý kiến của các nhà khoa học, cán bộ hưu trí cho rằng dự thảo đề án còn sơ sài, thiếu cụ thể, Ban soạn thảo đề án thí điểm chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh đã bổ sung đánh giá tác động của việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị; vai trò của Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị. Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, cần phải cụ thể hơn nữa để người dân hiểu và đồng tình ủng hộ chủ trương thực hiện đề án. Bởi cốt lõi vẫn là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Khi triển khai đề án sẽ có sự xáo trộn do tổ chức lại bộ máy, sắp xếp nhân sự, điều chỉnh địa giới hành chính. Trong đó việc tinh gọn bộ máy, đồng nghĩa với giảm bớt số lượng cán bộ, công chức, dễ tạo ra tâm lý không ủng hộ những cải cách lớn. Đây là những vấn đề TP Hồ Chí Minh cần lường trước, để thực hiện thành công mô hình thí điểm chính quyền đô thị nếu được Quốc hội thông qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thực hiện mô hình mới bằng tư duy cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.