(HNM) - Hình ảnh cháu bé Hồ Thị Thúy Ngân 3 tuổi, bị
Hành vi "hành hạ người khác" của Trần Thị Phụng không chỉ bị toàn xã hội lên án, mà một bản án nghiêm khắc dành cho "bảo mẫu" này là điều cần thiết, không thể biện minh.
Nhưng vì sao, như Trần Thị Phụng thú nhận, đã "tắm" cho cháu cả năm nay, khiến cháu "bị viêm đường hô hấp do sặc nước và tăng sinh tuần hoàn phổi", mà bà con trong ấp, chính quyền địa phương vẫn không hề hay biết? Thậm chí, khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở giữ trẻ tư nhân, bị gia chủ phản ứng, đóng cổng không cho vào, chính quyền cũng "ngại" không thực hiện các biện pháp kiên quyết khác?
Ngành giáo dục đã từng đề ra quy định về tổ chức, thành lập và hoạt động của nhóm trẻ tư nhân, liệu có thấy được trách nhiệm của mình trong khâu kiểm tra, giám sát? Chắc chắn ngành không thể vô can trong vụ việc này!
Còn các ngành chức năng khác, trách nhiệm của họ tới đâu, đã có ai đặt câu hỏi ấy?
Bố mẹ cháu Ngân do điều kiện kinh tế khó khăn, lên Bình Dương làm công nhân tại một công ty sản xuất giày da. Những gia đình công nhân ấy đang ngày đêm lao động hết sức mình làm ra của cải vật chất cho xã hội; nhưng ngay cả các nhà hoạch định chính sách, các "ông chủ" của những dự án xây dựng các khu công nghiệp, đã mấy ai nghĩ đến xây dựng nhà ở cho người lao động, xây dựng những cơ sở hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trạm y tế, khu sinh hoạt văn hóa... cho họ và con cái họ?
Chính những khiếm khuyết ấy đã khiến những người lao động như họ, với thu nhập quá ít ỏi, đành tìm đến các loại dịch vụ xã hội khác "dễ thở" hơn; khi mà các ngành chức năng "quên" mất vai trò trách nhiệm của mình.
Câu chuyện đau lòng trên là một minh chứng cụ thể nhất để các nhà hoạch định chính sách; lãnh đạo các doanh nghiệp đang sử dụng lao động; chính quyền địa phương nơi tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất; cùng các ngành chức năng như: giáo dục - đào tạo, lao động - thương binh và xã hội; các đoàn thể (công đoàn, Hội LH Phụ nữ)… cần tự nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc chăm lo thiết thực đến đời sống người lao động, góp phần giúp họ có được cuộc sống ổn định. Có như vậy mới triệt tiêu dần các hoạt động dịch vụ tự phát hoạt động trái phép, thiếu an toàn trong xã hội.
Ngăn ngừa tình trạng bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em là việc làm cấp thiết. Nhưng trước thực tế đời sống của các cháu và cha mẹ chúng - những người công nhân lao động nghèo - chúng ta không thể vô cảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.