(HNM) - Tại cuộc tọa đàm "Xây dựng thương hiệu và giải pháp bảo vệ quyền lợi sản phẩm, thương hiệu khi bị xâm phạm" diễn ra ngày 12-12 tại TP Hồ Chí Minh, dẫn các kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), ông Hà Quốc Khanh, Phó Viện trưởng viện này đưa ra con số: Hàng giả trong lương thực, thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 30%.
Thực ra không chỉ lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng khác cũng có tỷ lệ giả rất cao như: Rượu ngoại, tân dược, túi xách, quần áo… Thậm chí ngay cả tem chống hàng giả do cơ quan chức năng dán vào hàng hóa cũng bị làm giả. Điều đó cho thấy hàng giả đã ở mức báo động. Hàng giả trên thị trường có xuất xứ từ nước ngoài giả các thương hiệu thời trang có tiếng trên thế giới, giả các nhãn rượu mạnh, rượu vang được ưa chuộng tại Việt Nam. Các thương hiệu Việt có uy tín cũng bị làm giả ở nước ngoài rồi tuồn vào thị trường trong nước. Và làm giả ngay tại Việt Nam.
Hậu quả đầu tiên mà nạn hàng giả gây ra cho người tiêu dùng là các "thượng đế" phải trả tiền theo giá hàng thật nhưng lại dùng hàng giả. Đối với các doanh nghiệp trong nước nạn hàng giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế và uy tín, thậm chí doanh nghiệp còn có thể bị phá sản, công nhân mất việc làm.
Ở góc độ xã hội, hàng giả gây tâm lý ức chế vì mua phải hàng giả, người tiêu dùng không biết khiếu nại, khiếu kiện ở đâu. Ở góc độ quản lý, hàng giả còn chiếm tỷ lệ cao nghĩa là công tác chống hàng giả có vấn đề.
Một số người cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn hàng giả hiện nay là do các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự quan tâm đến việc thăm dò tìm hiểu thị trường để nắm bắt thông tin xem thương hiệu của mình có bị làm giả hay không. Sự thực không phải như vậy, không doanh nghiệp nào sản xuất ra sản phẩm lại không quan tâm đến thị trường, đến sản phẩm cạnh tranh, đến các nhà phân phối và bán lẻ. Sự thực, nhiều khi họ bất lực khi sản phẩm bị làm giả từ nước ngoài rồi tuồn vào Việt Nam. Thậm chí có doanh nghiệp không thể biết tem chống giả dán trên sản phẩm là tem thật hay tem giả. Với các sản phẩm bị làm giả trong nước, tìm ra nơi làm giả cũng không dễ, đặc biệt khi số lượng làm giả không lớn và kẻ làm giả ngụy trang cơ sở.
Hàng giả không chỉ là vấn đề bức xúc ở thị trường Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng tồn tại vấn nạn này. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã áp dụng các hình phạt nghiêm khắc, ví như ở Châu Âu, người bán hàng giả không chỉ bị phạt tiền rất lớn mà còn phải bồi thường cho khách hàng. Một trong những giải pháp để hạn chế hàng giả ở nước ta là phải xử nặng không chỉ người sản xuất mà phải xử cả người tiếp tay tuồn hàng giả vào Việt Nam. Hàng giả phá hoại nền kinh tế đất nước, do vậy, dứt khoát không thể sống chung với hàng giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.