(HNM) - Ngành y tế xử phạt 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và bếp ăn tập thể vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; ngành công thương xử phạt 9.000 vụ và cảnh sát môi trường cũng xử lý 21.000 vụ… đó là những con số được đưa ra tại hội nghị tổng kết an toàn vệ sinh thực phẩm 2014. 33.000 vụ là con số không nhỏ nhưng con số thực tế chắc chắn sẽ lớn hơn, vì nhiều vi phạm không bị phát hiện.
Không phải cơ sở chăn nuôi, chế biến thực phẩm, các hộ gia đình trồng rau quả nào cũng vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh và hóa chất bảo vệ thực vật cũng không ít. Có hộ sản xuất chia rau quả làm hai loại, cho gia đình và người thân sử dụng thì không dùng thuốc bảo vệ thực vật, hoặc có thì qua thời gian quy định mới thu hái, còn loại mang bán ra thị trường thì bất chấp.
Thực phẩm không an toàn còn vào Việt Nam qua nhiều đường nhập khẩu, đặc biệt là nhập lậu qua biên giới phía Bắc. Rất lạ là ô tô chở nội tạng ôi thối vẫn ung dung qua các trạm kiểm soát ở nhiều tỉnh để tiến về Hà Nội - một thị trường lớn, vừa khó tính lại vừa cả tin. Và việc phát hiện, bắt giữ phần lớn các vụ buôn lậu này đều do Công an Hà Nội. Với hoa quả nhập chính ngạch, nhân viên trạm kiểm dịch lấy mẫu ngẫu nhiên, song từ ngày gửi về trung tâm kiểm nghiệm cho đến khi có kết quả thì thương nhân đã nhập hàng chục chuyến hàng mới. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước thường lấy lý do lực lượng mỏng để biện minh cho sự yếu kém trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Ở Việt Nam hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh mối quan hệ giữa bệnh ung thư với việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng thực tế số người mắc căn bệnh này ngày càng gia tăng khiến người tiêu dùng lo lắng. Vì thiếu thông tin của cơ quan chức năng nên mỗi người đi chợ mua thực phẩm theo kinh nghiệm của riêng mình. Tuy nhiên, cảm quan và trực giác chỉ tạo sự yên tâm về tâm lý, làm sao có thể biết thịt cá hay loại rau nào không chứa hóa chất độc hại. Và cũng vì thiếu thông tin từ cơ quan chức năng khiến thị trường rau quả, thực phẩm không minh bạch, đồng thau lẫn lộn và khi có thông tin loại thịt này, củ quả kia tồn dư hóa chất thì người tiêu dùng chuyển sang mua mặt hàng khác, gây thiệt hại cho những cơ sở làm ăn chân chính.
Cuối quý I năm 2014, Hà Nội đã mua 200 thiết bị kiểm tra nhanh một số hóa chất, chất bảo quản đặt ở 300 chợ đầu mối và các chợ chính, nhưng thành phố có tới 900 chợ, ấy là chưa kể còn rất nhiều chợ tạm, chợ cóc ở các con ngõ thì lấy gì kiểm tra nhanh? Và dù có kết quả kiểm tra nhanh nhưng cơ quan quản lý cũng không cho phép dùng nó để xử lý vi phạm bởi kết quả chỉ mang ý nghĩa sàng lọc định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng thí nghiệm. Như vậy dù có trang bị máy nhưng hiệu quả xã hội vẫn rất hạn chế.
Tại hội nghị tổng kết công tác an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2014 và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Ất Mùi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng, người dân không thể biết hết thông tin thực phẩm không an toàn và họ có quyền đòi hỏi các cơ quan chức năng phải cho họ biết. Để người dân ăn Tết vui tươi, an toàn rất cần sự vào cuộc ngay từ bây giờ của các cơ quan quản lý nhà nước và truyền thông rộng rãi trong xã hội, đừng bắt dân tiếp tục phải làm người tiêu dùng thông minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.