Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể kinh doanh bằng scandal

Thủy Tiên| 08/09/2013 06:02

(HNM) - Các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật trong cơ chế thị trường cũng là hàng hóa cho dù người ta gọi là "hàng hóa đặc biệt". Mà đã là hàng hóa thì có thể bán mua như bao loại hàng hóa khác. Điều đáng nói là có ông bầu cố tình tạo ra scandal trong đêm diễn hay chủ quán sử dụng scandal của diễn viên, người mẫu thời trang, ca sĩ... như thứ hàng hóa để kiếm tiền, để làm thương hiệu...

Tháng 5-2012, chương trình "Đêm hội chân dài 7" diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, một số người mẫu đã mặc những trang phục không thể hở hơn. Và dù họ bị cơ quan chủ quản xử lý ba sai phạm gồm tự ý thay đổi kết cấu chương trình, người mẫu tự ý thay đổi trang phục và quảng cáo rượu trái phép nhưng mức tiền phạt theo luật định chỉ là 35 triệu đồng. Một số tiền quá ít so với tiền đơn vị tổ chức thu được. Gần đây, có một cô gái 9X đang học tại một trường thiết kế nội thất ở TP Hồ Chí Minh có nick name là "bà Tưng" tung ảnh gợi cảm lên mạng, với tuyên ngôn gây sốc đã nổi tiếng đến mức chỉ cần gõ từ khóa "bà Tưng" trên google thì hàng vạn tin bài, ảnh xuất hiện. Không bỏ lỡ cơ hội này, một quán bar ở Hà Nội đã có "sáng kiến" mời "bà Tưng" ra biểu diễn và "bà Tưng" đã "vui vẻ nhận lời". Không biết cát xê bao nhiêu nhưng hôm đó quán bar đông khách hơn thường ngày vì nhiều người hiếu kỳ muốn xem mặt "bà Tưng". Mới nhất, một diễn viên có cái tên nửa Tây nửa ta múa cột trong bộ trang phục "mặc mà như không mặc" tại quán bar ở Hà Nội và Hải Phòng. Có lẽ cát xê cũng thừa để cô sống trong một tháng không được phép biểu diễn nhưng chắc không đủ bù đắp tổn thất về danh dự.

Ở góc độ kinh tế, tận dụng scandal hay gây ra scandal và coi đó như món hàng trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở các sân khấu, quán bar, nhà hàng là một cách thu hút khách hàng ham thích tò mò và cũng nhân đó để nhiều người biết đến thương hiệu của mình hơn. Thế nhưng trong kinh doanh, cách đó không bền vững bởi không phải ngày nào cũng có các nhân vật scandal đến biểu diễn và cũng không thể ngày nào cũng gây ra scandal". "Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa", có thể nhiều người biết đến thương hiệu của họ nhưng đó là thương hiệu "tai tiếng", nó sẽ không thuận cho công việc kinh doanh lâu dài.

Việc tiếp tay cho những hành vi phi văn hóa là dung dưỡng cái xấu, đi ngược với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Mà thuần phong mỹ tục của một dân tộc chính là hồn cốt của dân tộc đó, tất cả những ai cố tình làm đồi phong bại tục đều phải bị lên án. Nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững, họ cần phải coi trọng đạo đức trong kinh doanh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể kinh doanh bằng scandal

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.