(HNM) - Qua báo cáo thẩm tra của các ban thuộc HĐND thành phố Hà Nội về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 cho thấy: 65 dự án thực hiện theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) nhìn chung việc triển khai đều chậm không đạt tiến độ theo yêu cầu và hợp đồng đã ký kết. Nhóm dự án đã hoàn thành vẫn chưa thực hiện xong quyết toán công trình BT và hợp đồng dự án. Nhóm các dự án đang triển khai cũng chậm tiến độ, các dự án đã ký hợp đồng còn lại đã hết thời hạn thực hiện.
Cụ thể với 63 dự án BT, có 5 dự án đã hoàn thành; 7 dự án đã ký hợp đồng, đang triển khai; 9 dự án đã giao chủ đầu tư, tiếp tục triển khai; 1 dự án xem xét đầu tư sau năm 2015 và 41 dự án phải dừng triển khai. Như vậy, đến thời điểm này có tới 2/3 số dự án BT bị dừng, khả năng triển khai theo hình thức BT là rất khó khăn.
Đây là vấn đề được nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội quan tâm trong phiên chất vấn ngày 5-12-2013. Lý do là, cùng với số dự án bị khoanh lại, thành phố sẽ phải có biện pháp xử lý hàng nghìn héc ta đất mà đáng lẽ ra phần lớn số đó sẽ được sử dụng cho việc xây dựng hạ tầng đô thị. Hệ quả của nó còn liên quan đến nhiều vấn đề lớn trong xã hội như đời sống, việc làm của người dân, hiệu quả sử dụng ngân sách…
Trong bối cảnh hiện nay, hình thức đầu tư qua hợp đồng BT là cần thiết nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở công tác quản lý và thực hiện của cơ quan chức năng có liên quan. Ví dụ như quy trình thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư như thế nào, còn có gì bất cập? Việc xác định giá đất có đúng không, có sát với thị trường không? Chi phí khấu trừ đã được tính toán chính xác chưa? Vấn đề dành đất đối ứng cho nhà đầu tư liệu đã thỏa đáng, có tạo ra kẽ hở để nhà đầu tư có thể lợi dụng? Việc giám sát của cộng đồng đối với các dự án BT đã được thực hiện tốt chưa?...
Vẫn biết quá trình triển khai các dự án BT hiện đang gặp nhiều khó khăn do quy hoạch chung có sự thay đổi, trực tiếp ảnh hưởng đến dự án BT và dự án đối ứng; các quy định, hướng dẫn liên quan chưa đầy đủ, đồng bộ; tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản suy giảm; nhiều nhà đầu tư không có khả năng huy động vốn... Song những vấn đề các đại biểu HĐND đặt ra không thể không có câu trả lời thỏa đáng. Quan trọng hơn nữa, từ đó chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án theo hình thức BT, siết chặt công tác quản lý và khắc phục những bất cập hiện nay, từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách đối với hình thức đầu tư này. Đã có đại biểu thành phố Hà Nội thẳng thắn nêu ý kiến, khi các nhà đầu tư gặp khó khăn, phải dừng dự án BT thì chúng ta vẫn phải tiếp tục đầu tư và gánh chịu hậu quả. Cũng với quan điểm đó, tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp vừa qua, có đại biểu nhận định: BOT/BT là nhằm thu hút vốn tư nhân, nhưng nếu tất cả là vốn vay và được Nhà nước bảo lãnh thì thực chất vẫn là đầu tư nhà nước, người dân đóng góp thông qua nộp phí...
Vì vậy, quản lý có hiệu quả hình thức đầu tư BT, BOT là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đó cũng chính là thước đo năng lực thực thi nhiệm vụ được giao. Vấn đề này không thể "khất nợ" các đại biểu HĐND thành phố bởi chậm ngày nào là lãng phí, thất thoát tiền của ngày đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.