Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể coi rẻ sinh mạng người lao động

Bình Nguyên| 11/07/2015 07:12

(HNM) - Sáng 10-7, giàn giáo công trình tòa nhà 17 tầng nằm trong Khu phức hợp Nam Sài Gòn, Quận 7 (TP Hồ Chí Minh ), mới khởi công, bất ngờ sập xuống. Cơ quan chức năng đã phải huy động tất cả trang thiết bị như máy khoan cắt bê tông, xe cẩu, máy xúc, thiết bị nâng... để cứu hộ, cứu nạn.

Với quy mô 17 tầng, có thể khẳng định đây là một công trình xây dựng lớn. Theo quy chuẩn xây dựng thông thường, đây là loại công trình thuộc diện phải chú ý đặc biệt về tiêu chí an toàn vệ sinh lao động. Trong số nạn nhân, người thiệt mạng hẳn để lại một khoảng trống lớn đối với gia đình; người bị thương nặng chắc chắn sẽ là gánh nặng đối với người thân của họ cả trước mắt cũng như lâu dài.

Chưa bàn đến nguyên nhân song nếu xâu chuỗi lại, có những điểm hết sức đáng chú ý. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2014, cả nước đã xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động, làm 6.941 người bị nạn. Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 592 vụ; số vụ có hai người bị nạn trở lên là 166 vụ. Các vụ tai nạn lao động đã cướp đi sinh mạng của 630 người, khiến 1.544 người bị thương nặng. Có thể kể đến những vụ nghiêm trọng như vụ cháy xảy ra vào 23h30 ngày 15-1, làm 6 người chết và một người bị thương nặng tại Công ty TNHH MTV Than Đồng Vông (Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); vụ ngạt khí xảy ra vào 10h30, ngày 11-4, làm 3 người chết và 3 người bị thương tại Công ty cổ phần Vĩnh Phát (Khu Công nghiệp Phú Bài, Thừa Thiên Huế); vụ sập cẩu xảy ra vào 7h30, ngày 9-7, làm chết 2 người và bị thương 4 người tại công trường thi công Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (thuộc địa bàn phường Hải Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng); vụ tai nạn lao động sạt lở, đá trượt xảy ra vào 18h ngày 1-8, làm 5 người chết tại khu vực mỏ đá A, Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Kiên Giang...

Điều đáng lo ngại là trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn lao động, lỗi do người sử dụng lao động chiếm tới 72,7% (kết quả một khảo sát). Cụ thể, lỗi do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 26,7% tổng số vụ; thiết bị không bảo đảm chiếm 18,3% tổng số vụ; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 11,4% tổng số vụ; do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 12,3% tổng số vụ; do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 4%... Ở chiều ngược lại, lỗi do người lao động chỉ chiếm 13,4%, cụ thể: Người lao động bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 11,9% tổng số vụ; người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 1,5% tổng số vụ. Còn lại 13,9% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác.

Tại sao người sử dụng lao động lại phớt lờ hoặc... vô ý không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động? Có rất nhiều nguyên do, trong đó có những nguyên nhân thuộc về nhận thức, song đáng chú ý là không ít chủ sử dụng lao động "phạm lỗi" bởi bỏ qua các yêu cầu bảo đảm an toàn lao động đồng nghĩa với việc bớt đi thủ tục và chi phí thực hiện dự án.

Trở lại với vụ sập giàn giáo công trình 17 tầng nêu trên, kết luận về nguyên nhân vụ việc sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Dù thế nào đi nữa, đây tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo về thảm trạng tai nạn lao động tại nước ta. Nếu chủ đầu tư, nhà thầu bất chấp sinh mạng người lao động để phát triển kinh tế nói riêng, thực hiện dự án nói chung thì đây là điều không thể chấp nhận và phải bị xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể coi rẻ sinh mạng người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.