(HNM) - Sa Pa, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Vũng Tàu… đồng loạt vào mùa du lịch với hơn chục lễ hội lớn nhỏ, hút khách cả ba miền. Và rồi những câu chuyện
Có lẽ đau đầu nhất và cũng khó chịu nhất đối với du khách khi đến với các lễ hội du lịch là nạn "chặt chém". Tại Sa Pa, giá của một phòng nghỉ đôi ngày thường chỉ khoảng 350.000 - 400.000 đồng/đêm, bỗng lên đến 1 triệu - 1,2 triệu đồng. Còn ở Vũng Tàu, phòng trọ cũng được "hét" tới hơn 1 triệu đồng… Du khách lẻ đặt phòng qua điện thoại kể như gặp "hạn", tới điểm du lịch, không ít "thượng đế" mới ngã ngửa người khi chủ khách sạn tưng tửng nói: "Hết phòng!". Chưa kể giá dịch vụ ăn uống tăng đến chóng mặt, rồi cánh trông giữ xe "thừa nước đục thả câu"…
Đủ thứ lý do mà người ta có thể đưa ra biện minh cho việc "làm tiền". Nào là khách tứ phương đổ về, giá cả thị trường tăng vọt, nhà hàng, khách sạn gì đi nữa cũng phải theo giá chợ. Một năm du lịch được mấy lần mà các bác phải so đo? Nào là đã kinh doanh phải tính đến lợi nhuận. Chẳng ai muốn "té nước theo mưa" nhưng cũng phải tăng giá lên để bảo đảm sự cân bằng trong dịch vụ. Cả năm được mấy ngày như thế này. Thành thử, mỗi năm đến mùa du lịch, trước khi lên kế hoạch đi nghỉ nơi nào, tâm trí du khách cứ bị ám ảnh bởi cái phương châm của nhiều cơ sở dịch vụ du lịch: "Chín tháng mài dao, ba tháng chặt chém". Với tư duy làm ăn của những người làm du lịch như vậy, "thượng đế" chỉ còn biết kêu trời. Đi du lịch là để thăm thú, nghỉ dưỡng chứ có phải để rửa tiền đâu?
Điều đáng nói là những năm gần đây, các lễ hội mở màn cho mùa du lịch ngày một gia tăng cả về số lượng, hình thức và quy mô. Tầm tầm thì "khoác áo" festival, hoành tráng hơn là festival quốc tế, huy động hàng trăm, hàng ngàn diễn viên với đủ phương tiện, thiết bị hiện đại… Lợi thế, khả năng quảng bá của lễ hội từ các phương tiện nghe nhìn là không thể không nói đến nhưng hiệu quả thực tế so với đồng tiền bỏ ra lại là câu chuyện khác. Một nhà quản lý du lịch thừa nhận: Chúng ta đang làm lễ hội theo kiểu "tùng rinh rinh". Nghĩa là cứ đánh trống, khua chiêng đi đã, còn chuyện các "thượng đế" một đi không trở lại thì để "ngày mai tính".
Phát triển ngành "công nghiệp không khói", trước hết phải bắt đầu từ tư duy của những người làm du lịch. Kinh doanh du lịch không phải chuyện phục vụ sự ăn chơi của "thượng đế" để xuống tay "chém đẹp" mà làm du lịch là phải biết giữ chữ "tín" cho những mục tiêu dài hơi. Du lịch cần được xác định là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi không nhỏ về kinh tế, xã hội… để từ đó người làm du lịch hướng tới tầm tư duy chuyên nghiệp, hình thành cách ứng xử chuyên nghiệp hơn với "thượng đế" của mình.
Cũng đã đến lúc các nhà quản lý du lịch cần nhìn lại chiến lược phát triển. Từ lâu, du lịch nước nhà có lẽ mới chỉ quan tâm đưa khách đi du lịch quốc tế mà quên mất chuyện phục vụ khách đi nghỉ ngơi, thăm thú trong nước. Thiếu cơ chế quản lý phù hợp, chưa có chính sách đầu tư hợp lý… hết thảy đã để lại hậu quả là những câu chuyện đáng buồn với những người đi du lịch trên chính quê hương mình. Và "điều gì đến, đã đến", không ít người Việt Nam đã bỏ tiền sang nước ngoài du lịch thay vì đến với những lễ hội truyền thống, những núi non kỳ vĩ, những bờ biển dài cát trắng mênh mông vốn được quảng bá là những điểm đến hấp dẫn.
Làm du lịch theo kiểu "ăn xổi" là điều không thể chấp nhận, chí ít với những người ôm mộng phát triển ngành "công nghiệp không khói" tại Việt Nam. Không thể cứ bỏ tiền tổ chức các lễ hội "câu" du khách đến để họ phải mua lấy sự bực mình rồi không bao giờ trở lại. Ngành du lịch cần phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai những chương trình hành động hiệu quả để "những điểm đến" thật sự hấp dẫn du khách Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.