Ngày 15-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại trong năm 2019 của Ủy ban.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, 7 tháng năm 2019, công tác đảm bảo an toàn hàng không cơ bản được đảm bảo tốt, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và giai đoạn đầu cao điểm hè 2019. Không có tai nạn, sự cố mất an toàn bay nghiêm trọng (mức B) xảy ra; các sự cố uy hiếp an toàn cao mức C cũng giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Liên quan đến tình hình thế giới, trong tháng 3 vừa qua, sau các tai nạn tàu bay với tàu bay Boeing 737 Max của hãng hàng không Lion Air và Ethiopia Airlines, Cục Hàng không Việt Nam đã chủ động theo dõi, nhanh chóng nắm bắt tình hình và kịp thời đưa ra quyết định cấm hoạt động khai thác tàu bay Boeing 737 Max trong không phận Việt Nam.
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục theo dõi, chờ kết luận điều tra nguyên nhân tai nạn tàu bay, công tác khắc phục đối với tàu bay B737 Max được phê chuẩn bởi FAA, EASA và một số nhà chức trách hàng không khác, kiểm nghiệm hoạt động khai thác B737 Max an toàn trở lại trên thế giới trước khi quyết định việc cho phép khai thác B737 Max tại Việt Nam.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không các tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, việc Cục Hàng không Việt Nam chính thức đạt được Chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không quốc gia mức 1 của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (tháng 2-2019) là sự ghi nhận của nhà chức trách hàng không Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế về nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện tổ chức giám sát an toàn hàng không đáp ứng, hội nhập hoàn toàn đối với tiêu chuẩn và thực tiễn hoạt động hàng không dân dụng quốc tế, nâng vị thế của nhà chức trách hàng không Việt Nam cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong công tác mở rộng thị trường, hoạt động hợp tác liên doanh, đặc biệt là tiền đề mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không như còn để xảy ra một số vụ việc như trộm cắp tài sản, hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay; gây rối trật tự công cộng, đe doạ nhân viên hàng không (điển hình như vụ việc hành khách say rượu có hành vi sàm sỡ nữ hành khách và tiếp viên trên máy bay).
Nguyên nhân của các vụ việc này là do lỗ hổng từ công tác tuyên truyền pháp luật về an ninh, an toàn hàng không, lỗ hổng về pháp lý và việc thiếu sự tuân thủ quy trình xử lý, năng lực chuyên môn, tính chủ động chưa cao của đội ngũ nhân viên hàng không.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát khai thác còn chưa đảm bảo tuân thủ quy định, đã xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác xếp lịch bay và kiểm soát thời gian làm việc, nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay; tốc độ tăng trưởng đội tàu bay nhanh dẫn đến nhu cầu cao về người lái, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên hàng không và nguồn lực làm công tác giám sát an toàn hàng không.
Phó Thủ tướng cho rằng, tình trạng các hãng đang sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (lên đến 50 quốc tịch) có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hóa.
“Phi công do Nhà nước đào tạo hiện nay là tài nguyên quốc gia, không để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Không quảng cáo quá năng lực của hãng hàng không. Không tăng chuyến để buộc phi công phải quay vòng nhanh. Phải hướng đến ngành hàng không lành mạnh, tăng vị thế quốc gia, tránh mặt trái của kinh tế thị trường, phải làm đàng hoàng, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực, tàu bay”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, nghiêm túc thực hiện để đạt mục tiêu đề ra là đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, cập nhật các văn bản pháp luật, quy định về an ninh hàng không phù hợp với quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật Chương trình an toàn hàng không quốc gia lĩnh vực hàng không dân dụng đáp ứng yêu cầu của ICAO và thực tiễn hoạt động hàng không tại Việt Nam, đẩy nhanh các giải pháp áp dụng quy trình, công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý an toàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng sớm trình Chính phủ nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ phù hợp tình hình thực tiễn. Các bộ, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, nghiêm túc thực hiện công tác đánh giá nguy cơ rủi ro, uy hiếp an ninh, an toàn hàng không theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của ICAO và quy định của các văn bản phối hợp liên ngành khác. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các địa phương nghiêm túc xây dựng quy chế làm việc, giao ban trao đổi tình hình, tuân thủ nguyên tắc “4 tại chỗ”, tránh tính đơn giản, hình thức; chú trọng công tác diễn tập, xây dựng quy trình ứng phó các tình huống uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh yêu cầu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông hàng không cho toàn xã hội, cho mọi tầng lớp nhân dân, lấy xây dựng văn hóa an toàn trong cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp hàng không làm động lực. Cùng với đó, đẩy mạnh phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tăng cường tuyên truyền cho dân cư khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay để phòng ngừa, phát hiện, xử lý trường hợp nghi vấn sử dụng chất cháy, chất nổ và các phương tiện bay siêu nhẹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.