(HNM) - 10 năm qua, gắn với quá trình Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã tích cực đổi mới và có những đóng góp quan trọng, đáng tự hào...
Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2018), đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã dành cho phóng viên Báo Hànộimới cuộc trao đổi xung quanh công việc của ngành.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: Bảo Hân |
- Hôm nay 1-8-2018, Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng cũng là cột mốc 10 năm TP Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, đề nghị đồng chí đánh giá khái quát những đóng góp của ngành cho Thủ đô trong thời gian qua?
- Ngay từ những ngày đầu thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, ngành Tuyên giáo thành phố xác định quyết tâm vào cuộc với phương châm “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm” và tinh thần tất cả cùng đồng thuận vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Công tác tư tưởng, tuyên giáo của thành phố đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, ngày càng thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 10 năm qua, gắn với quá trình Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII về “Việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, ngành luôn bám sát nhiệm vụ chính trị. Trong suốt quá trình thực hiện Nghị quyết, với vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, ngành Tuyên giáo Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, tạo ra không khí phấn khởi, đồng thuận cao, đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Thông qua các biện pháp đổi mới như xây dựng đề án, củng cố mạng lưới cộng tác viên, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân; chủ động báo cáo và tham mưu với Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy các giải pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điển hình như, tham mưu tổ chức họp chi bộ toàn thành phố trong cùng một ngày khi xảy ra việc mất an ninh trật tự tại một số tỉnh phía Nam khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển nước ta hay sự cố ô nhiễm môi trường biển ở một số tỉnh miền Trung...
Ngành Tuyên giáo thành phố đồng thời đã đổi mới tổ chức học tập, quán triệt triển khai cũng như tham mưu tổng kết kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy. Bên cạnh đó, ngành kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống đối, chủ động đối thoại nhằm vận động, thuyết phục nhiều cá nhân liên quan; tiếp cận nhanh và có biện pháp bài bản đấu tranh tư tưởng trên những môi trường mới như mạng internet; tuyên truyền giải quyết “điểm nóng”... Ngành cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ... Có thể nói, cùng với những thành tựu nổi bật và toàn diện của Thủ đô 10 năm qua, ngành Tuyên giáo tự hào đã có những đóng góp tích cực, được ghi nhận. Đây là nguồn động viên để ngành tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn trong thời gian tới.
- Đồng chí còn trăn trở điều gì về công tác của ngành Tuyên giáo Thủ đô trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra hiện nay?
- Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy và cấp ủy các cấp, ngành Tuyên giáo Hà Nội đã chủ động thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình, chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại để xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp khắc phục. Định kỳ sơ kết, tổng kết, chúng tôi đều tập trung làm rõ vấn đề này. Mới đây nhất là hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018, chúng tôi cũng đã chỉ ra 3 nhóm hạn chế còn tồn tại. Trong đó, điều chúng tôi băn khoăn, trăn trở nhất hiện nay là việc thông tin, định hướng dư luận xã hội, phản bác những thông tin sai lệch trên các trang mạng điện tử, mạng xã hội còn hạn chế. Mặc dù đã có một số đơn vị triển khai tốt, song còn nhiều đơn vị chưa coi trọng vấn đề này. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà ngành sẽ tập trung khắc phục trong thời gian tới.
- Khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành Tuyên giáo ngày càng lớn, nhất là những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, chống đối ngày càng tinh vi. Ngành Tuyên giáo Thủ đô sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì để nắm thế chủ động trên “mặt trận” tư tưởng?
Với việc đổi mới phương pháp hoạt động, ngành Tuyên giáo đã tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thủ đô.Ảnh: Viết Thành |
- Khó khăn, thách thức của ngành Tuyên giáo cũng chính là của mỗi cấp ủy, bởi công tác tuyên giáo không phải chỉ của ngành Tuyên giáo, chỉ khi cấp ủy các cấp nhận thức rõ điều này thì công tác tuyên giáo mới được quan tâm đúng mức. Về phần mình, chúng tôi sẽ chủ động làm tốt công tác tham mưu và tổ chức thực hiện các giải pháp chung theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội, trọng tâm là các giải pháp tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điều quan trọng là phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVI, nhất là 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, 8 chương trình công tác lớn để triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành. Trong đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là tập trung nắm bắt và dự báo kịp thời dư luận về các vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách lớn, các vấn đề dân sinh và các sự kiện đột xuất phát sinh trên địa bàn gắn với thực hiện Đề án số 05 về “Đổi mới công tác nắm bắt, nghiên cứu và định hướng dư luận xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố”.
Ngành Tuyên giáo Thủ đô sẽ hướng mạnh về cơ sở, không ngừng nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về sự cần thiết của công tác tư tưởng, tuyên giáo trong tình hình mới. Thấu hiểu ý nghĩa của phương châm “Lấy xây để chống”, Ban Tuyên giáo Thành ủy và hệ thống tuyên giáo thành phố sẽ chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” gắn với thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội”.
Chúng tôi cũng sẽ quyết liệt đấu tranh với những cá nhân, tổ chức có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng thông qua việc tham mưu với cấp ủy các cấp và đối thoại trực tiếp với các đối tượng liên quan. Ngành sẽ không ngừng xây dựng hệ thống thông tin mạnh, rộng khắp; cung cấp thông tin sớm, đầy đủ, chính xác về kết quả trên các lĩnh vực của thành phố, đặc biệt là những vấn đề dư luận quan tâm; phát huy vai trò của hệ thống báo chí, các bản tin nội bộ, công tác tuyên truyền miệng, nỗ lực “đi trước một bước” trên “mặt trận” tư tưởng.
- Đồng chí mong muốn gì ở đội ngũ cán bộ của ngành Tuyên giáo thành phố, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới cho tất cả các lĩnh vực của đời sống?
- Chúng tôi quan niệm rằng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải bám sát thực tiễn đời sống, không ngừng đổi mới tư duy và hành động để thích nghi với hoàn cảnh, yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Tuyên giáo cũng phải nỗ lực để đổi mới, nâng cao trình độ mọi mặt để tiếp tục làm tròn nhiệm vụ.
Đối với mỗi người làm công tác tuyên giáo, tôi cho rằng, đây là lúc chúng ta phải nâng cao nhận thức, đổi mới quyết liệt phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, thích nghi được với đòi hỏi, diễn biến tình hình mới đang đặt ra. Ban Tuyên giáo các cấp của thành phố cần nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác; coi đây là mấu chốt để thực hiện thành công nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chúng tôi sẽ vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần chủ động, đẩy mạnh toàn diện việc thực hiện các giải pháp, tất cả hướng tới mục tiêu không ngừng củng cố niềm tin của xã hội, tạo đồng thuận cao trong Đảng, trong dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.