Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không nên đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện chính sách tài khóa

Đình Hiệp| 27/10/2022 17:42

(HNMO) - Chiều 27-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Quốc hội cũng thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công bằng vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Tham dự phiên thảo luận có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng…

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Chú trọng phát triển kinh tế bền vững

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời gian qua. Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu đề nghị tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, không đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa, chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển.

“Cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, hạn chế khởi công mới, dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong đó, có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, vận tải biển, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số quốc gia”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) ghi nhận trong 9 tháng năm 2022, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, đạt kết quả đáng ghi nhận. Song, vẫn còn những băn khoăn khi tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều và bền vững. Đại biểu cho biết, cử tri phản ánh giá đầu vào sản xuất chưa ổn định, giá vật tư tăng cao, thiếu hụt xăng, dầu cục bộ...

Từ đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, chủ động nắm bắt tình hình, có biện pháp chỉ đạo, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm ổn định giá cả hàng hóa, nâng cao đời sống người dân.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, từ những kết quả khả quan đạt được trong năm 2022 có thể thấy rõ bài học kinh nghiệm về chuẩn bị từ sớm, từ xa cần được tiếp tục áp dụng để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Đại biểu cho biết, điểm nghẽn hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần làm rõ vấn đề này, đặc biệt là hạ tầng cấp thoát nước. Đồng thời, cần có cơ chế tốt hơn để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xử lý nước thải; giao thêm trách nhiệm xử lý nước thải cho các địa phương cho đến khi luật về xử lý thoát nước được ban hành.

 Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) phát biểu.

Về vấn đề giá xăng, dầu, đặc biệt là giá dầu tăng khá cao, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) nhận thấy, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, trích lập quỹ bình ổn xăng, dầu phù hợp và làm giảm đáng kể áp lực đầu vào, hỗ trợ tiêu dùng... nhưng ngư dân hiện nay ra khơi bám biển còn cầm chừng hoặc là "nằm bờ", do giá dầu tăng hoặc thu không đủ bù chi. Đại biểu đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho ngư dân…

Cần chỉ rõ giải pháp giải ngân vốn đầu tư công

Theo đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 còn nhiều hạn chế như tăng trưởng GDP tuy cao nhưng chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ các nguồn thu có liên quan tới đất, một số khoản thu không đạt dự toán.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân về chỉ tiêu tăng tốc độ năng suất lao động không đạt mục tiêu và giải pháp cho năm 2023. Đồng thời, cần chỉ rõ giải pháp giải ngân vốn đầu tư công để trong 2 tháng còn lại năm 2022 tăng từ mức đạt 46,7% lên đạt mức 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại năm 2022 ước chỉ đạt 1 tỷ USD, trong khi xuất siêu đến cuối tháng 10 đạt trên 7 tỷ USD.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) phát biểu.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) cho biết, hiện nay, 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai rất chậm. Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển của 3 chương trình đến hết tháng 9-2022 ở mức rất thấp. Đến nay, vẫn còn thiếu nhiều văn bản của bộ, ngành để hướng dẫn địa phương thực hiện.

“Việc chậm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn và chậm phân bổ vốn cho chương trình đã tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, người yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và mục tiêu giảm nghèo bền vững”, đại biểu Hoàng Thị Đôi nói.

Trước thực tế trên, đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị Chính phủ có những giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn, sớm ban hành đồng bộ các văn bản phân bổ vốn kịp thời, đầy đủ để triển khai thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; nghiên cứu, tổ chức đánh giá và sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập ở địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 27-10.

Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong ngày 27-10, đã có 42 đại biểu phát biểu, 7 đại biểu tranh luận, 3 Bộ trưởng tham gia trao đổi các vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong phiên họp ngày 28-10, các đại biểu Quốc hội phát biểu thêm về các vấn đề còn ít ý kiến tham gia. Các Bộ trưởng: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu giải trình thêm ý kiến của các đại biểu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không nên đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện chính sách tài khóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.