(HNMO) - Với tình hình sản xuất, chăn nuôi trong 9 tháng năm 2021, dự báo trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sẽ không lo thiếu hụt nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đây là thông tin từ hội nghị trực tuyến phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 8-10.
Tăng trưởng nhưng còn khó khăn
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng, 9 tháng năm 2021, nhiều địa phương phải áp dụng giãn cách trong thời gian khá dài, nhưng cơ bản hoạt động sản xuất, chăn nuôi vẫn được duy trì, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Hiện tổng đàn lợn cả nước đã đạt hơn 28 triệu con, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn duy trì đàn lợn thịt trên 6 triệu con); đàn gia cầm đạt 523 triệu con, tăng hơn 4,4%; đàn bò khoảng 6,3 triệu con, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 4,7 triệu tấn, tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020; giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi tăng 4,2%.
Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, một số dịch bệnh truyền nhiễm nhỏ lẻ như cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi... xảy ra nhưng đã được khống chế, không làm lây lan và phát sinh. Do đó, tổng đàn gia súc, gia cầm của thành phố tăng mạnh, trong đó, đàn bò có 138.718 con, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; đàn lợn 1,477 triệu con, tăng 14%; đàn gia cầm (bao gồm cả chim cút) là 38 triệu con, tương đương cùng kỳ năm 2020... Việc chăn nuôi ổn định, có sự liên kết với các tỉnh, thành phố khác, nên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô trong thời gian giãn cách và hiện nay.
Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, hiện nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng cơ bản ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để duy trì đàn vật nuôi và tái đàn, bảo đảm cung ứng đủ cho tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 và một phần cho xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay phần lớn người sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu hụt vốn do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được (lợn ứ đọng khoảng 30%, gà công nghiệp lông trắng khoảng 90%). Việc nhập gia cầm và sản phẩm chăn nuôi tiểu ngạch vẫn diễn biến phức tạp, thương lái có thể ép giá nông dân khi thu mua ở cổng trại (mặc dù giá đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao), làm cho người nông dân thua lỗ và càng gặp khó khăn hơn.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), không chỉ khó khăn về sản xuất, hiện nay, giá các loại thịt đều giảm, trong đó, giá lợn hơi trên cả nước giảm mạnh, dao động 38.000-45.000 đồng/kg, giảm 9.000-11.000 đồng/kg so với tháng trước. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019. Giá gia cầm cũng giảm mạnh, đặc biệt là gà lông trắng hiện nay đã tăng lên 20.000-25.000 đồng/kg, nhưng người chăn nuôi vẫn lỗ vì chi phí sản xuất đã gần 30.000 đồng/kg.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại ở huyện Quốc Oai cho biết, hiện giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tăng 16-30% so với cùng kỳ năm trước và vẫn tiếp tục tăng, trong khi giá các loại thịt giảm bằng 30% giá thành, nên một số trang trại phải nuôi cầm chừng. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, cùng với đó là việc đứt gãy nguồn cung cục bộ do cách ly, đóng cửa các bếp ăn tập thể của nhà máy, trường học...
Tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2021 đạt khoảng 5-6%, sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,2 triệu tấn, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 5,5-6,0% vào năm 2022, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai kiến nghị các địa phương có giải pháp đẩy mạnh luân chuyển hàng hóa. Các bộ, ngành tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về vốn, thuế... để duy trì sản xuất trong các tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT có định hướng chiến lược về nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong nước cũng như xuất khẩu để các địa phương định hướng người dân sản xuất theo nhu cầu thị trường, đồng thời đề nghị Bộ hỗ trợ Hà Nội xây dựng những chợ đầu mối chuyên ngành để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tái đàn. Về vấn đề thức ăn chăn nuôi tăng giá, Bộ đã đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu; đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi theo chuỗi.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dự báo sẽ tăng 20-30%, riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ tăng thêm khoảng 10% nữa. Do đó, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất (giống, thức ăn, máy móc thiết bị, vật tư...) để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức lại sản xuất trong mọi tình huống và theo nhu cầu thị trường.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các địa phương đã khống chế được dịch Covid-19 đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu để hỗ trợ và bù đắp lại phần thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam khi dịch Covid-19 chưa được khống chế. Với năng lực sản xuất chăn nuôi như hiện nay, sẽ không lo xảy ra chuyện thiếu thực phẩm dịp Tết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.