(HNM) - Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, trong khi không ít người đổ về các điểm tham quan, vui chơi, giải trí và vấn đề chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam hiện nay trở thành tâm điểm của dư luận thì có một thông tin rất đáng chú ý.
Đó là, lần thứ 3 trong vòng chưa đầy một tháng, những tấm lòng nghĩa hiệp một lần nữa trổ tài, trong 5 ngày "giải cứu" thành công hơn 250 tấn dưa của bà con xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Chủ lực của đợt này là các cá nhân như Đặng Như Quỳnh (Hà Nội), Trần Hữu Như Anh (TP Hồ Chí Minh) và Ngô Anh Tuấn (Phú Thọ).
Với sự việc nêu trên, xin được nhìn nhận và phân tích ở một góc độ khác.
Thực tế thời gian qua, chuyện các sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân như dưa hấu, lúa gạo, hành tím, nhãn, vải thiều… luôn rơi vào cảnh được mùa - mất giá là "xưa như trái đất". Hầu hết người nông dân phải "tự thân vận động" để cứu lấy bản thân theo kiểu… lời ăn, lỗ chịu. Trong khi đó, vai trò quy hoạch, điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lại rất mờ nhạt. Tại rất nhiều cuộc hội thảo, họp bàn mỗi năm, hàng loạt cơ chế, chính sách để giải quyết chuyện "đầu ra" của nông sản đã được ban hành; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với lộ trình cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn cũng đã được xây dựng; quy hoạch cụ thể cho một số mặt hàng nông sản chủ lực, đến từng giai đoạn và thị trường mục tiêu cũng đã có…
Tóm lại là chúng ta không thiếu những hoạch định về biện pháp, cách thức giải quyết ở tầm vĩ vô. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là chuyện "được mùa - mất giá" không vì thế mà thuyên giảm. Điều nhìn thấy rõ nét nhất là nhiều loại nông sản của chúng ta hiện nay, vốn là nguồn sống chủ lực của hàng triệu bà con nông dân vẫn phát triển tự phát và bấp bênh đầu ra. Xảy ra tình trạng trên là do khâu quy hoạch, dự báo thị trường cùng công tác quản lý của cơ quan chức năng còn bộc lộ quá nhiều bất cập nếu không muốn nói là yếu kém. Đồng thời, mối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông dân trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm (cả thị trường trong nước và nước ngoài) là quá lỏng lẻo, hầu như không thể hiện được chức năng "cầm trịch", điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước. Chuỗi hoạt động từ lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc… tới nắm bắt thông tin thị trường, chế biến, bảo quản sau thu hoạch rồi cuối cùng là tiêu thụ sản phẩm, phần lớn do người dân, doanh nghiệp "tự thân vận động"…
Liệu những vấn đề nêu trên với những yếu kém bộc lộ rõ từ thực tế có liên quan tới trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là hai bộ Công thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn? Mới đây nhất, tại cuộc tọa đàm với chủ đề "Tiêu thụ nông sản, liên kết từ sản xuất đến thị trường" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27-4 tại Hà Nội, nhiều ý kiến thẳng thắn góp ý: Trong cơ chế quản lý giữa các bộ, ngành, hai từ phối hợp luôn được nói đến nhiều nhất nhưng đây chính là khâu yếu nhất. Giữa các bộ, ngành, việc "đá bóng" trách nhiệm thì rất giỏi trong khi phối hợp với nhau lại rất kém. Không ai đôn đốc, giám sát. Địa phương, liên vùng có làm sai cũng chưa có quy chế xử lý, do vậy tình trạng: xây dựng quy hoạch bên vẽ cứ vẽ, bên làm cứ làm… kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" cứ vô tư tái diễn.
Đó thực sự đều là những chuyện rất đáng để suy nghĩ và cần gấp rút có biện pháp giải quyết dứt điểm. Cách thức của những con người nghĩa hiệp ra tay "giải cứu" thành công hàng trăm tấn dưa cho bà con Quảng Ngãi thời gian vừa qua cũng là việc cơ quan quản lý cần học tập. Nếu "bóng" trách nhiệm cứ đá qua, đá lại mà thời gian dài mọi việc vẫn y nguyên thì có lẽ chức năng quản lý nhà nước đã đặt sai địa chỉ?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.