(HNM) - Nguồn hàng cung ứng phục vụ người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết Đinh Dậu đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ, bảo đảm chất lượng và không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu
Thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa Tết Đinh Dậu, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chuẩn bị, dự trữ các mặt hàng với tổng trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng, phục vụ tại gần 70 điểm bán lẻ trên toàn hệ thống. Bà Nguyễn Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Hapro cho biết, trong dịp Tết, Hapro sẽ tổ chức điểm bán hàng theo mô hình “Chợ Tết” với sự tham gia của các đơn vị thành viên; đồng thời, liên kết với một số đối tác cùng tham gia nhằm tạo sự đa dạng hình thức kinh doanh. Sản phẩm được trưng bày, bán phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại địa điểm tổ chức tập trung vào các mặt hàng giò, chả, bánh chưng, gà ta, thịt gia súc, gạo đặc sản, dầu ăn, nước mắm, rượu, bia, bánh mứt kẹo, thủy hải sản, rau xanh, trái cây… “Chợ Tết” với quy mô từ 1.000 đến 2.000m2 dự kiến tổ chức từ ngày 19 đến 23-1-2017 (tức 22 đến 26-12 Âm lịch), tại xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa).
Phiên chợ Tết đưa hàng Việt về nông thôn do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức tại huyện Ứng Hòa năm 2016. Ảnh: Minh Hà |
Ngoài ra, Hapro còn tổ chức hơn 100 chuyến bán hàng về các vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố. Đối với các điểm bán hàng Tết ở ngoại thành, Hapro cam kết đưa hàng Việt Nam chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tổng công ty phấn đấu tổng doanh thu trong dịp Tết lần này tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Hệ thống siêu thị Co.opmart cũng dự trữ tổng lượng hàng hóa cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết hơn 110.000 tấn, tăng 15% so với năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng 5-30% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có độ tăng trưởng khác nhau khoảng 10-30%, dự kiến tăng cao nhất ở nhóm nước giải khát, bia, trái cây và rau, củ, quả. Trong dịp này, Co.opmart còn tăng cường nhiều sản phẩm hàng nhãn riêng mới, chất lượng bảo đảm cùng những mặt hàng chuyên phục vụ Tết như bánh mứt, nho khô, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa… và một số mặt hàng đặc sản truyền thống khác.
Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp lễ, Tết, Tập đoàn KIDO cùng hai công ty thành viên là Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An nghiên cứu và đưa ra thị trường 78.000 tấn dầu ăn. Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm Tổng Giám đốc Vocarimex cho biết, hiện KIDO và các công ty thành viên đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các cơ quan, xí nghiệp để làm quà biếu.
Chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm
Phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các DN sẽ tổ chức 22 phiên chợ Tết và hàng trăm chuyến bán hàng lưu động, chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp Tết. Sở còn yêu cầu các DN tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải là hàng Việt, bảo đảm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu an toàn thực phẩm, giá hợp lý. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm chế biến, thủy - hải sản, hàng dệt may, da giày, thiết bị điện, đồ gia dụng, đặc sản, sản phẩm làng nghề…
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các DN, nguồn hàng cung ứng Tết phục vụ nhân dân sẽ dồi dào. Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, vấn đề cần chú ý nhất vẫn là kiểm soát giá, tránh "găm" hàng, "đẩy" giá. Để tránh tình trạng khan hàng, sốt giá, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã có nhiều văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết, chú trọng đến an toàn thực phẩm tại địa bàn các quận, huyện. Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch kiểm tra Tết, trong đó tập trung đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm… để bảo đảm cho nhân dân Thủ đô yên tâm đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu vui tươi, lành mạnh.
Để bảo đảm lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với DN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với năm 2016. Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tháng trước và trong Tết Nguyên đán đạt khoảng 23.130 tỷ đồng. Hàng Tết được tổ chức bán tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 700 cửa hàng tiện ích, cũng như tại các hộ kinh doanh và 454 chợ trên địa bàn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.