Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để văn bản dưới luật quy định mở rộng hơn so với luật

Vân An| 22/05/2015 16:13

(HNMO) - Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Trước khi đi vào thảo luận, Quốc hội đã nghe báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, dự luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn giữ quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã như thời gian qua, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; quy định chặt chẽ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền này.

Về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội nhất trí, việc cho phép HĐND và UBND cấp huyện, xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật là công cụ quan trọng để chính quyền các cấp này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của mình theo luật định.

“Nhà nước ta quản lý xã hội chủ yếu bằng pháp luật, mà pháp luật được thể hiện qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nên cấp huyện, xã cũng cần được giao quyền này để thực hiện nhiệm vụ điều hành của mình ở địa phương”, đại biểu Nguyễn Hữu Đức – Đồng Tháp nói.


Các đại biểu thảo luận tại hội trường



Về thẩm quyền ban hành văn bản của chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, các đại biểu cũng nhất trí, dự Luật chỉ quy định chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; còn thẩm quyền, hình thức văn bản quy phạm pháp luật sẽ căn cứ vào mô hình tổ chức của chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt khi Quốc hội quyết định thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Đáng chú ý, nhiều đại biểu đề nghị, dự luật cần làm rõ quy định các văn bản dưới luật không được mở rộng so với luật.

Theo đại biểu Nguyễn Trung Thu – Long An, nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành luật đã quy định thêm cách giải quyết hậu quả của tình huống pháp lý vượt quá quy định trong luật hiện hành. Điều này là không phù hợp và cần phải được ngăn chặn.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Ninh Thuận đề nghị bổ sung vào dự luật 2 nguyên tắc: đảm bảo đủ văn bản hướng dẫn thi hành khi luật có hiệu lực; văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không được quy định thêm, mở rộng so với luật.

Đại biểu Trần Hồng Thắm – Cần Thơ đề nghị thêm, dự luật cần đưa quy định về xử lý trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan ra các văn bản hoặc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trái với luật hoặc mở rộng so với luật.

Liên quan đến quy định về hồi tố, một số đại biểu cho rằng, quy định này dễ dẫn đến nhiều rủi ro pháp lý, làm cho nhiều cá nhân, tổ chức rơi vào thế bất lợi bất đắc dĩ, chưa kể có thể bị lợi dụng bởi những đối tượng liên quan. Do đó, dự luật cần xác định thật rõ, cụ thể những trường hợp cần thiết được phép hồi tố để đảm bảo tính ổn định của quy định pháp luật.

“Có nhiều người chưa hiểu rõ thế nào là “hiệu lực trở về trước”, thế nào là “thật cần thiết”. Việc quy định nội dung này trong dự luật chưa rõ ràng, còn tùy nghi, trong khi đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến sự công bằng, ổn định của hệ thống pháp luật, cần phải được quy định rõ”, đại biểu Tô Văn Tám – Kon Tum nói.

Theo chương trình, ngày 22/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để văn bản dưới luật quy định mở rộng hơn so với luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.