Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để thịt lợn khan hàng, tăng giá đột biến

Thanh Hiền| 22/11/2019 07:31

(HNM) - Giá lợn hơi tại thành phố Hà Nội hiện đang có dấu hiệu tăng mạnh, đã lên tới 75.000 đồng/kg, cao kỷ lục từ trước đến nay. Điều này kéo theo những sản phẩm chế biến từ thịt lợn cũng như các mặt hàng thực phẩm dùng trong bữa ăn hằng ngày thay thế thịt lợn đồng loạt tăng giá. Không để mặt hàng này khan hiếm và tăng giá đột biến, nhất là dịp cuối năm, các ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp...

Các ngành chức năng kết nối với nhiều nhà cung cấp tại các tỉnh, thành phố để có nguồn cung thịt ổn định.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày 21-11 tại một số chợ truyền thống tại khu vực nội thành như: Chợ Hôm - Đức Viên, Nguyễn Cao (quận Hai Bà Trưng), Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), Thành Công (quận Đống Đa)…; giá thịt lợn đều tăng mạnh. Cụ thể, các loại thịt ba chỉ, chân giò, nạc thăn, sườn thăn... giá từ 140.000 đồng/kg đến 150.000 đồng/kg (tăng từ 30.000 đồng/kg đến 40.000 đồng/kg so với trước đây khoảng một tháng). Bà Nguyễn Thị Hồng (trú tại số 28, ngõ 218 Hàm Tử Quan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bình thường mỗi ngày đi chợ chỉ chi khoảng 70.000 đồng đến 80.000 đồng cho gần 1kg thịt lợn, nhưng gần đây cũng với lượng thịt như vậy phải tốn từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng. Giá tăng mạnh khiến người nội trợ phải đắn đo, nhưng thịt lợn là món ăn thường ngày nên chỉ giảm chứ không thể bỏ.

Bà Nguyễn Thu Hương, bán bún thịt dọc mùng (phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, bình thường mỗi bát bún thịt, mọc, sườn có giá từ 30.000 đồng đến 45.000 đồng. Nay sườn, thịt chân giò mua vào đã 140.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng, nhưng vẫn phải bán mức giá cũ để giữ khách. 

Là người kinh doanh lâu năm, bà Nguyễn Thu Hòa, tiểu thương chợ Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định: “Ngoài lý do dịch bệnh, giá thịt lợn tăng còn do đang phải qua nhiều khâu trung gian trước khi ra thị trường”. Bà Nguyễn Thu Hòa dẫn chứng, một con lợn hơi khoảng 100kg trước đây bán ra thị trường có giá khoảng 7 triệu đồng. Sau khi vào lò giết mổ, giá tăng lên gần 10 triệu đồng/con; khi phân phối ra thị trường có giá khoảng 13 triệu đồng/con, gần gấp đôi so với giá xuất chuồng.

Thịt lợn tăng kéo theo không chỉ các sản phẩm chế biến từ thịt lợn mà nhiều loại thực phẩm khác cũng bắt đầu tăng giá. Dễ nhận thấy nhất là giá bán của các loại thực phẩm được chế biến từ thịt lợn như giò, chả, ruốc, thịt quay… đều tăng thêm từ 5% đến 20% so với cách đây hai tháng. Cụ thể, trước đây giò lụa loại thường (có pha trộn) có giá 120.000 đồng/kg, thì nay lên 150.000 đồng/kg; loại ngon giá 150.000 đồng/kg, nay lên 210.000 đồng/kg...

Bên cạnh đó, nhiều loại thực phẩm tươi sống tại các chợ dân sinh như thịt gà, thịt bò, cá, tôm đã nhích giá từ 5% đến 10% do người dân chuyển sang lựa chọn các thực phẩm khác thay thế thịt lợn nên nhu cầu tăng cao. Cụ thể, giá thịt gà ta đang bán ở mức 120.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp 90.000 đồng/kg; thịt bò dao động từ 250.000 đồng/kg đến 280.000 đồng/kg; cá trắm ở mức 120.000-150.000 đồng/kg; tôm sú loại to 220.000-280.000 đồng/kg…

Để bảo đảm nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố kết nối với nhiều nhà cung cấp tại các tỉnh, thành phố phía Bắc để có nguồn cung thịt lợn ổn định, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong những dịp cao điểm; vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất các loại thực phẩm chế biến. Đặc biệt, trong trường hợp nguồn cung khan hiếm, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu thịt lợn từ Pháp, Indonesia...

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Quang Hiền, Giám đốc Hệ thống bán lẻ miền Bắc MeatDeli (Công ty Masan MEATLife - một công ty chuyên kinh doanh thịt, trong đó có thịt lợn) cho biết, ngoài 260 địa điểm bán hàng gồm các đại lý và hệ thống Vinmart, MeatDeli đang đẩy mạnh phát triển vào toàn bộ hệ thống siêu thị tại Hà Nội với mục tiêu đến Tết Nguyên đán 2020 có 500 đại lý ở toàn bộ hệ thống Vinmart, khoảng 30 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của công ty, nhằm giúp người tiêu dùng mua hàng, đặc biệt là sản phẩm từ thịt lợn thuận lợi hơn.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ đã triển khai phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt. Bộ Công Thương đề xuất, các địa phương, bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước, vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để thịt lợn khan hàng, tăng giá đột biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.