Cho phép TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm tổ chức giao dịch mặt hàng thịt lợn trên cơ sở tận dụng, khai thác hạ tầng công nghệ, cơ sở pháp lý vốn có của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam trong thời gian thử nghiệm hai năm.
Đó là kiến nghị của ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tại buổi giám sát về công tác quản lý an thực phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh vào chiều 14-10.
Tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, qua kiểm tra thực tế tại ba chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức cho thấy công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bên trong chợ đều được quản lý tốt. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là quản lý, kiểm soát buôn bán bên ngoài của ba chợ đầu mối này.
Ngoài ra, qua khảo sát tại các chợ vẫn tồn tại vấn đề kiểm tra và ghi chép nguồn hàng nhập và xuất. Có những đơn vị làm tốt, nhưng cũng có những nơi chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là với trái cây nhập khẩu. Khảo sát cho thấy, việc quản lý trái cây nhập khẩu chưa được chặt chẽ.
Trước việc ông Cao Thanh Bình đặt vấn đề: Đối với sản phẩm nông nghiệp, gia cầm, gia súc... làm sao để biết được các trang trại không sử dụng chất cấm, quá trình giết mổ có tuân thủ quy trình và sản phẩm đến tay người dân có đảm bảo chất lượng hay không?, ông Nguyễn Nguyên Phương kiến nghị: Cho phép thí điểm sàn giao dịch thịt lợn sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Để lên sàn, thịt lợn phải có tiêu chuẩn đầu vào và nhà sản xuất bắt buộc phải điều chỉnh tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu của sàn; do đó sẽ tiết kiệm được khâu kiểm tra, nâng trách nhiệm nhà sản xuất. Hiện nay, nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng mô hình này", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, khi thịt lợn lên sàn, bắt buộc phải giết mổ công nghiệp, không mổ thủ công. Do vậy, lợn sẽ tự động được đưa về các lò mổ công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, từ đó giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm rất “nóng” hiện nay.
“Khi lợn lên sàn giao dịch không những kiểm soát được an toàn thực phẩm mà còn kiểm soát, ngăn chặn được dịch bệnh từ các địa phương khác vào thành phố. Ngoài ra, hiện nay, lợn phải đi qua thương lái, đến cơ sở giết mổ mới đến hệ thống phân phối. Nếu qua sàn, người mua có thể mua trực tiếp của người chăn nuôi giúp giảm chi phí, giá thành”, ông Phương thông tin thêm.
Trong khi đó, theo Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, do địa bàn rộng với nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiếp giáp với nhiều tỉnh như Tây Ninh, Long An, Bình Dương nên công tác thanh tra, kiểm tra, cập nhật danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, còn bất cập trong quá trình kiểm tra xử lý vi phạm với các mặt hàng nông sản tươi sống như: đòi hỏi kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định; chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu huỷ khi sản phẩm không đạt mà không xác định được chủ hàng hoặc chủ lô hàng bỏ trốn…
Ngoài ra, hiện nay, các văn bản quy định cho phép việc sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh đã bãi bỏ nên công tác kiểm tra, giám sát mối nguy hại gây mất an toàn thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thành phố cần có chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong việc sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh để sàng lọc ban đầu các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm phục vục cho công tác thanh, kiểm tra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.