Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để tái diễn hình ảnh xấu

Đỗ Quỳnh Chi| 06/12/2022 06:09

(HNM) - Vừa qua, Công an phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) đã lập biên bản xử lý đối tượng T.T.T. (quê ở tỉnh Ninh Bình; hiện trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) với hành vi lấn chiếm vỉa hè, đồng thời củng cố hồ sơ về hành vi thu giá quá cao. Vụ việc xuất phát từ thông tin trên mạng xã hội cho biết, rạng sáng 2-12, một nhóm khách vào quán bán ngô, khoai nướng ở vỉa hè phố Lê Thái Tổ. Nhóm này ăn hết 4 củ khoai, 10 quả trứng và 3 bắp ngô với giá thành 580.000 đồng. Trong đó khoai nướng là 80.000 đồng/củ, trứng 20.000 đồng/quả và ngô 20.000 đồng/bắp. Mức giá này được dư luận đánh giá là “chặt chém”, gây bức xúc trong cộng đồng.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng “chặt chém” khách du lịch khi đến với Thủ đô. Thi thoảng trên báo chí lại đưa tin tài xế taxi, người đánh giày, chủ cửa hàng… bị công an xử phạt, thậm chí có vụ đã phải chuyển cơ quan điều tra xử lý. Chỉ cần gõ từ khóa “chặt chém khách du lịch ở Hà Nội” trên Google sẽ có tới 2 triệu kết quả tìm kiếm, cho thấy đây là tồn tại kéo dài qua nhiều năm và cần có giải pháp xử lý căn cơ.

Không khó để thấy rằng, thời gian qua, nỗ lực từ chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội trong quản lý, phát triển du lịch nói chung đã tốt dần lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Đơn cử như tình trạng trông xe giá “cắt cổ” vẫn diễn ra ở khu vực hồ Hoàn Kiếm những ngày cuối tuần; chỉ cần đi qua khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì đã có hàng chục lời mời chào gửi xe với giá đắt gấp 5-10 lần mức phí Nhà nước quy định. Hay tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khu vực các tuyến phố Đinh Liệt, Chợ Gạo, Hàng Bạc, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện… để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị.

Do đó, để xóa bỏ tình trạng "chặt chém", tạo ấn tượng tốt đẹp để khách du lịch quay trở lại Thủ đô nhiều lần, thành phố cần nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý phù hợp, chẳng hạn như yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải công khai toàn bộ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá cả và nguồn gốc hàng hóa… một cách cụ thể trên trang web du lịch của địa phương. Đồng thời, chính quyền nên thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện sai phạm phải cương quyết xử lý nghiêm khắc, tước bỏ giấy phép kinh doanh, thậm chí đóng cửa cơ sở và thông tin công khai trên các trang web du lịch.

Ngoài các giải pháp tổng thể để phát triển du lịch, mạng xã hội cũng là một kênh để chống "chặt chém" hiệu quả. Bởi lẽ, bên cạnh việc tuyên truyền, quảng bá du lịch, những hình ảnh phê phán hành động xấu đối với du khách cũng cần được công khai. Cách làm này này sẽ tạo hiệu ứng, hiệu lực mạnh để cảnh báo các đối tượng, các cơ sở, địa điểm chèn ép, có thái độ không tốt với du khách. Đối với vấn đề trật tự văn minh đô thị, chính quyền các phường, xã, thị trấn có địa điểm du lịch phải quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, khiến khách du lịch phải đi bộ xuống lòng đường.

Thiết nghĩ, vấn nạn "chặt chém" du khách tuy chỉ là hiện tượng đơn lẻ, do một số ít cá nhân nhận thức kém, nhưng nếu không khắc phục kịp thời về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Du lịch và hình ảnh Thủ đô. Lẽ thường, dù trải nghiệm rất nhiều ưu điểm nhưng chỉ cần một điểm xấu thì hình ảnh của địa phương ấy đã không còn đẹp trong mắt du khách. Do đó, những hiện tượng tương tự như việc một củ khoai nướng giá 80.000 đồng không được phép tái diễn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để tái diễn hình ảnh xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.