(HNM) - Mặc dù đã có chuyển biến, song việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Hà Nội thời gian qua chưa thực sự rõ nét, do vậy sản xuất hàng hóa chưa có bước chuyển mạnh mẽ, giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Một số nơi, người nông dân được khuyên, được cổ vũ nên trồng lúa giống này, không trồng giống lúa kia...
nhưng đến khi thu hoạch thì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Ở nơi khác, người nông dân phải tự quyết định nuôi con gì, trồng cây gì với kỹ thuật nào, vì không có thông tin. Trong khi đó, số lượng sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, nhãn hiệu được bảo hộ không nhiều và vấn đề an toàn thực phẩm luôn bị người tiêu dùng đặt dấu hỏi…
Rất nhiều nông dân không biết thị trường đang cần gì và sẽ cần gì; không dự báo được tình hình dịch bệnh và cách phòng ngừa; không thể huy động nguồn vốn để mở rộng sản xuất và không biết làm cách nào để tiếp cận kỹ thuật canh tác, nuôi trồng hiện đại… Người nông dân cần các cơ quan có trách nhiệm giúp họ giải những "bài toán" nêu trên. Nếu không làm được điều đó thì “được mùa, mất giá” vẫn là câu chuyện dài dài và việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi vẫn... không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Mặt khác, có thể nói khó khăn lớn nhất trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nói riêng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung là thị trường đầu ra, sau đó là việc tổ chức sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Nguyên tắc chung của một chương trình tái cấu trúc là phải kiểm soát được lượng cung của mỗi mặt hàng nông sản, quy hoạch vùng sản xuất mỗi loại sản phẩm hàng hóa, có dây chuyền công nghệ chế biến làm tăng giá trị của thành phẩm đầu ra. Và tiếp theo là làm tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy, quan trọng nhất là phải chấm dứt tình trạng sản xuất, kinh doanh manh mún, cục bộ, đơn ngành. Bởi lẽ, nếu không có sự cộng tác và điều phối đa ngành, không thể phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới toàn diện. Và cũng vì vậy, vai trò quản lý trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần phải được tiếp cận dưới bốn góc độ:
Thứ nhất là, công tác quy hoạch vùng sản xuất gắn với bố trí các công thức luân canh phù hợp: Xác định các cây trồng lợi thế cho từng vùng sản xuất, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để quy hoạch vùng tiến tới sản xuất theo hướng hàng hóa trên các công thức canh tác mang tính bền vững.
Thứ hai là, giải pháp về giống cây trồng, vật nuôi: Tiếp tục đẩy mạnh việc du nhập, khảo nghiệm, chọn lọc được một số giống hoa màu, cây ăn quả, vật nuôi mới có thời gian sinh trưởng phù hợp với điều kiện canh tác, thời vụ cho năng suất cao, chất lượng tốt góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế.
Thứ ba là, xây dựng các mô hình, tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới: Để người dân thấy rõ hiệu quả từ chuyển đổi các cây trồng truyền thống sang các cây trồng mới có hiệu quả hơn, cần phải xây dựng mô hình trình diễn, đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao để nhân rộng.
Thứ tư là, xây dựng định hướng các mô hình: Trình diễn các giống cây trồng mới; trồng các loại rau theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp hữu cơ...
Thị trường hàng hóa nông sản của Hà Nội với sức tiêu thụ dồi dào về cơ bản vẫn lệ thuộc vào nguồn cung từ các tỉnh lân cận. Do đó, nếu có chiến lược, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đồng thời bảo đảm an toàn thực phẩm thì đầu ra sản phẩm sẽ không phải là nỗi lo quá lớn. Vấn đề hiện nay là triển khai quyết liệt những giải pháp để người nông dân không "cô đơn" trên thửa ruộng của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.