(HNM) - Công ty TNHH Miwon Việt Nam (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) chiều 18-7 đã thuê một đơn vị môi trường đến vệ sinh hố gas vi sinh. Không may, trong quá trình làm việc, tai nạn lao động đã xảy ra làm 4 người chết, 1 người bị thương. Cơ quan chức năng bước đầu xác định các nạn nhân gặp nạn do ngạt khí. Tai nạn lao động nói trên tiếp tục nối dài những vụ việc tương tự xảy ra gần đây, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình nạn nhân cũng như những bất an cho toàn xã hội.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, làm 6.658 người bị nạn, 786 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 4.000 tỷ đồng. Mặc dù số người chết năm 2021 giảm 180 người (tương đương 20%) so với năm 2020, nhưng con số này được đánh giá chưa bền vững bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp phải làm việc cầm chừng, nhiều công trình tạm dừng thi công do giãn cách xã hội.
Đáng lưu ý, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm khoảng gần 70% số vụ tai nạn lao động, chủ yếu do điện giật, ngã từ trên cao xuống... Nguyên nhân cơ bản là các nhà thầu chính đã bán thầu cho các đơn vị nhỏ, lẻ làm theo kinh nghiệm, không xây dựng phương án thi công và không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn. Ngoài ra, công nhân, người thuê việc không được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ hoặc có trang bị nhưng không sử dụng, dù phải làm việc ở nơi cheo leo… Cũng có trường hợp bản thân công nhân lại chưa biết sử dụng hết quyền của mình trong việc có thể từ chối thực hiện công việc khi điều kiện an toàn không bảo đảm. Chỉ khi tai nạn xảy ra, những vi phạm mới được phát hiện thì sự đã rồi.
Thực tế cho thấy, pháp luật của nước ta về an toàn lao động trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là những ngành nghề thường xảy ra tai nạn lao động đã được quy định khá đầy đủ, chi tiết. Vấn đề chính vẫn nằm ở khâu thực thi và kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên trách còn nhiều tồn tại, hạn chế. Do đó, để giảm thiểu các vụ mất an toàn lao động từ nguyên nhân chủ quan, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn.
Trước hết, tiếp tục nâng cao ý thức của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đối với vấn đề an toàn lao động, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như những lĩnh vực dễ phát sinh tai nạn lao động. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có sai phạm lớn, kéo dài, không khắc phục triệt để cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ sản xuất, thi công. Với những vụ tai nạn gây thương vong, nếu đủ căn cứ do chủ sử dụng lao động không tuân thủ các quy định chung về an toàn lao động, cần xem xét chuyển cơ quan điều tra, xử lý nghiêm để làm gương.
Về lâu dài, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần quan tâm thích đáng đến việc rèn luyện kỹ năng an toàn vệ sinh lao động, xây dựng văn hóa làm việc an toàn cho học viên. Đối với người lao động, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động phải đi sâu, hướng dẫn cho họ biết cách nhận thức và thấy rõ những nguy cơ tai nạn để chủ động có biện pháp phòng ngừa.
Cũng như vụ việc vừa xảy ra ở Công ty TNHH Miwon Việt Nam, “đáp án” chung thường thấy là sau đó sẽ có việc thanh tra, kiểm tra rốt ráo về an toàn lao động. Rõ ràng, chúng ta không thể để “mất bò mới lo làm chuồng”, phải chủ động phòng ngừa, luôn ưu tiên bảo đảm an toàn cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.