Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để ''mất bò mới lo làm chuồng''!

Thế Đan| 10/12/2022 06:55

(HNM) - Sự việc 8 học sinh Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) phải nhập viện ngày 5-12 vừa qua do vô tình hút phải thuốc lá điện tử đã gióng lên hồi chuông báo động về câu chuyện quản lý thuốc lá thế hệ mới.

Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng, biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm. Nghiên cứu mới nhất của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, tại Hà Nội, tỷ lệ thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8-12 là 8,35%; lớp 10-12 là 12,6%; với nữ là 4,8%, nam là 12,4%.

Mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe, nguy hiểm như thuốc lá điếu. Thêm vào đó, hiện thuốc lá điện tử còn bị biến tướng, vì hầu hết các mẫu thuốc sử dụng ống chứa dung dịch là cơ hội để các đối tượng tẩm chất ma túy, khiến người sử dụng gia tăng sự phụ thuộc, từ đó gây hệ quả khôn lường cho xã hội. Thực tế, trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ các đối tượng sử dụng chất ma túy pha vào tinh dầu của thuốc lá điện tử cho thấy điều đó.

Trong khi đó, vấn đề quản lý thuốc lá thế hệ mới, trong đó có thuốc lá điện tử chưa được các cơ quan quản lý nhà nước chú ý đúng mức. Từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, nhưng đến nay việc thực hiện nhiệm vụ này vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì thuốc lá làm nóng, nung nóng được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Đối với thuốc lá điện tử thì chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, pháp luật hiện nay chưa có quy định. Như vậy, các cơ quan quản lý vẫn “bối rối”, chưa đi đến thống nhất về vấn đề quản lý thuốc lá điện tử thế nào, trong khi thị trường tiêu thụ ngày càng phát triển và xã hội gánh nhiều hệ lụy.

Trong khi chờ sự thống nhất quan điểm trong công tác quản lý, để góp phần ngăn chặn các loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử cũng như hệ lụy từ thuốc lá thế hệ mới, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc, chung tay của gia đình và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, các nhà trường cần tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của thuốc lá; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả hiện tượng học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

Các gia đình nên dành nhiều thời gian quan tâm, lắng nghe con em trong tuổi vị thành niên; phối hợp chặt chẽ với nhà trường để khuyến cáo không sử dụng ma túy, không sử dụng thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử; tuyên truyền cho học sinh, sinh viên hiểu biết đầy đủ về những tác hại khôn lường của thuốc lá, của ma túy, để cùng xây dựng môi trường lành mạnh, không khói thuốc.

Càng triển khai sớm biện pháp quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng thì chính sách kiểm soát thuốc lá quốc gia sẽ càng hoàn thiện, tạo sự an tâm cho cộng đồng. Chúng ta không thể mãi kéo dài tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để ''mất bò mới lo làm chuồng''!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.