Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để mạng lưới buýt Thủ đô "đứt gãy" vì một doanh nghiệp dừng khai thác

Tuấn Lương| 04/07/2022 18:16

(HNMO) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới liên quan việc Công ty TNHH Bắc Hà (buýt Bắc Hà) xin dừng vận hành 5 tuyến buýt xã hội hóa từ ngày 1-8-2022 do hết khả năng tài chính.

Mạng lưới buýt Hà Nội vẫn ổn định sau khi buýt Bắc Hà dừng hoạt động. Ảnh: Tuấn Lương

- Ông nhìn nhận như thế nào xung quanh việc Công ty TNHH Bắc Hà xin dừng vận hành 5 tuyến buýt do khó khăn về tài chính?

- Sáng nay (4-7), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới nhận được văn bản báo cáo của buýt Bắc Hà. Đây là 1 trong số hơn 10 đơn vị tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng của Thủ đô. Thực sự rất đáng tiếc vì buýt Bắc Hà là đơn vị đầu tiên tham gia chủ trương xã hội hóa và 5 tuyến buýt từ 41 đến 45 do Bắc Hà đảm trách cũng là 5 tuyến buýt xã hội hóa đầu tiên của thành phố.

Sau khi nắm bắt được tình hình, chúng tôi cũng rất chia sẻ với Công ty TNHH Bắc Hà về những khó khăn dẫn đến phải bỏ 5 tuyến buýt trợ giá này. Tôi tin rằng để đi đến quyết định này, buýt Bắc Hà cũng đã phải tính toán kỹ lưỡng, cân đối nhiều thứ và thực sự đây là một quyết định không hề dễ dàng đối với doanh nghiệp.

-Vậy "số phận" của 5 tuyến buýt này sẽ ra sao, mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô có bị "đứt gãy"?

- Sở sẽ họp bàn với các sở, ngành liên quan, báo cáo UBND thành phố Hà Nội để có phương án xử lý một cách sớm nhất.

5 tuyến buýt này được buýt Bắc Hà tham gia đấu thầu vào năm 2019, theo lộ trình 5 năm thì doanh nghiệp còn 2 năm vận hành nữa mới đến kỳ đấu thầu mới. Phương án xử lý tối ưu là thành phố sẽ tìm một doanh nghiệp khác đảm nhận 5 tuyến buýt trợ giá này, bởi trên địa bàn thành phố đang có hơn 10 doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách công cộng. Việc xử lý sẽ rất khẩn trương để bảo đảm trước thời điểm buýt Bắc Hà xin dừng hoàn toàn 5 tuyến buýt trợ giá thì phải có phương án thay thế kịp thời để không ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Đây là việc quan trọng nhất. Quan điểm của Sở là đơn vị được chọn thay thế phải là những đơn vị có kinh nghiệm, đang hoạt động trong lĩnh vực tương tự.

- Liệu có tình trạng chậm thanh toán tiền trợ giá khiến Công ty TNHH Bắc Hà đã khó càng thêm khó, dẫn tới phải xin dừng khai thác tuyến?

- Không có chuyện đó! Hiện đã hết quý II-2022, theo chu kỳ thanh toán thì Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thanh toán cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng kinh phí của quý I-2022 và tạm ứng của quý II-2022, khi nào hoàn tất hồ sơ, thủ tục thì sẽ thanh toán phần còn lại của quý II-2022.

- Một số ý kiến cho rằng, đại dịch Covid-19 kéo dài cộng với giá nhiên liệu liên tục tăng cao trong khi đơn giá, định mức không theo kịp diễn biến đã đẩy doanh nghiệp buýt vào thế khó. Hà Nội đã có giải pháp gì để tháo gỡ?

- Trải qua 2 năm dịch Covid-19 cùng với đó là giá nhiên liệu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây đã khiến các doanh nghiệp vận tải khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp khó khăn. Đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp vận tải chứ không riêng gì buýt Bắc Hà.

Thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Cụ thể là tính toán, điều chỉnh lại sản lượng trong hợp đồng cũ cho phù hợp với tình hình hoạt động khó khăn trong giai đoạn Covid-19 vừa qua. Đồng thời xây dựng các đơn giá, định mức mới với từng loại hình cho phù hợp... Tuy nhiên những việc này đòi hỏi phải có thời gian và phải tuân thủ đúng các quy trình, quy định của pháp luật.

- Việc Công ty TNHH Bắc Hà dừng khai thác và các doanh nghiệp đều đang khó khăn liệu có ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô trong năm 2022 và các năm tiếp theo, thưa ông?

- Tôi khẳng định không ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô. Hiện hệ thống đã đáp ứng khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân và tỷ lệ này sẽ tiếp tục được nâng dần trong các năm tới. Trong năm 2022 này, Hà Nội có 9 tuyến xe buýt điện được đưa vào khai thác. 5 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng đã đấu thầu xong và hiện đã có 2/5 tuyến đi vào khai thác từ tháng 6-2022.

Hiện, Sở đang trình UBND thành phố Hà Nội kế hoạch tiếp tục đấu thầu 17 tuyến nằm trong kế hoạch năm 2021 song phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, Sở đang chuẩn bị cho kế hoạch mở tiếp 15 tuyến buýt mới khác nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, qua đó từng bước giảm phương tiện giao thông cá nhân, góp phần hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để mạng lưới buýt Thủ đô "đứt gãy" vì một doanh nghiệp dừng khai thác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.