Từ hơn 14 lượt hành khách/chuyến, đến nay tuyến xe buýt điện D4 tại thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 30 lượt hành khách/chuyến.
Cung cấp thông tin tại tại họp báo về kinh tế - xã hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức chiều 14-3, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình thí điểm đưa xe buýt điện vào hoạt động bước đầu đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, khối lượng vận chuyển tuyến xe buýt điện có trợ giá D4 liên tục tăng từ khi đưa tuyến này vào hoạt động (từ tháng 3-2022), từ bình quân 14,1 lượt hành khách/chuyến tăng lên bình quân 30,6 lượt hành khách/chuyến (tháng 12-2023).
Tính đến hết tháng 2-2024, tuyến xe buýt điện có trợ giá D4 đã thực hiện 45.973 chuyến xe, đạt tỷ lệ 99,4% so với số chuyến kế hoạch (45.973/46.241 chuyến). Tổng sản lượng hành khách đã vận chuyển đến hết tháng 2-2024 đạt 1.983.088 lượt hành khách, bình quân vận chuyển khoảng 3.200 lượt hành khách/ngày.
Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, tuyến xe buýt này là một trong các tuyến xe buýt có sản lượng hành khách bình quân/chuyến cao trong hệ thống xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố.
Về phương tiện, hiện nay, tuyến xe buýt điện D4 đang hoạt động với 11 phương tiện, có sức chứa 67 chỗ, được trang bị các tiện ích phục vụ tốt cho hành khách như: Sàn thấp và có thể nâng hạ phục vụ người khuyết tật, wifi, cổng sạc điện thoại, màn hình thông báo trạm dừng, camera giám sát an ninh và camera AI kiểm soát tình trạng tài xế khi điều khiển phương tiện.
Về chất lượng dịch vụ, kết quả khảo sát hài lòng của hành khách, đánh giá theo quý đều đạt trên 89-95 điểm (thang điểm 100). Kết quả đánh giá tuyến theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, tuyến xe buýt điện D4 được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ với số điểm đạt được là 100/100 điểm.
Bên cạnh đó, Công ty Vinbus (đơn vị vận hành tuyến xe buýt điện D4) xây dựng ứng dụng trên điện thoại giúp hành khách cập nhật thông tin tuyến cũng như các sự cố xảy ra trên tuyến (ùn tắc, phân luồng giao thông, xe đến trạm trễ) để chủ động thời gian đón xe. Đồng thời, tổ chức bộ phận chăm sóc khách hàng tiếp nhận và giải đáp các thắc mắc, phản ánh của hành khách 24/24h trong ngày và bố trí nhân sự lái xe và nhân viên phục vụ trên xe làm việc 2 ca/ngày, đảm bảo thời gian làm việc đúng với quy định, hướng đến tiêu chí an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, tuyến xe buýt điện D4 là tuyến buýt điện đầu tiên trên địa bàn thành phố sử dụng năng lượng điện thân thiện với môi trường, không phát thải khí nhà kính và tiếng ồn động cơ, đi đầu cho chủ trương phát triển phương tiện giao thông xanh của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.