(HNM) - Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển. Trên quan điểm này, thời gian qua, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính đã trở thành một khâu quan trọng, đột phá, được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ ở tất cả các cấp, ngành và địa phương, với phương châm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Kết quả nổi bật là công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được triển khai sâu rộng, có hiệu quả. Trong 9 tháng năm 2022, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản; cập nhật gần 17.800 quy định hiện hành trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Đặc biệt, đến nay có 11.700 bộ phận “một cửa” các cấp trên cả nước được thành lập; 53/63 địa phương hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp đến gần người dân hơn thông qua việc xây dựng và phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Hiện có hơn 4.000 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến (chiếm trên 61% tổng số thủ tục hành chính) và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã số hóa và tạo lập gần 100 triệu dữ liệu dân cư được cấp số định danh cá nhân; cấp hơn 73 triệu căn cước công dân gắn chíp… Các nền tảng, hệ thống thông tin hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp tục được vận hành, phát triển, hoàn thiện.
Song, nhìn tổng thể, công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù đã có chuyển biến mạnh mẽ, nhưng ở đâu đó, người dân, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng, vẫn có những bức xúc nảy sinh. Những băn khoăn về “giấy phép con”, người thi hành công vụ có biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà… vẫn đang là rào cản đối với quá trình phát triển. Đáng chú ý, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực có tác động sâu rộng trong đời sống xã hội, như đất đai, giáo dục, y tế, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu… còn rườm rà, gây ra không ít khó khăn, phiền toái cho người dân, doanh nghiệp. Thêm nữa là kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm, còn xảy ra vi phạm ở một số nơi, gây bức xúc dư luận.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả do chủ quan và khách quan. Tuy vậy, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, có liên quan trực tiếp tới tổ chức, bộ máy, con người và việc vận hành; bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính có nơi, có lúc còn hạn chế. Cùng với đó là nhận thức, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của người đứng đầu các cấp hành chính chưa đúng mức.
Kiên định quan điểm đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển; lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo; trong phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra ngày 19-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: “Cải cách hành chính là công việc nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, nhưng khó mấy cũng phải làm để tháo gỡ khó khăn, vượt qua các thách thức, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; không để lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính, tắc trách và quan liêu của người thi hành công vụ”.
Là việc “khó khăn, phức tạp và nhạy cảm”, nhưng người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ là “khó mấy cũng phải làm”. Bởi thực tế nếu không làm, hoặc làm hời hợt, không tới nơi, tới chốn thì sẽ cản trở sự phát triển, các khó khăn không được tháo gỡ, các thách thức khó vượt qua.
Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, người thi hành công vụ trực tiếp phải quán triệt quan điểm chỉ đạo trên, cùng với phương châm “nói đi đôi với làm”; cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả làm thước đo. Trên tinh thần này, những nhiệm vụ quan trọng và cụ thể hơn cần thực hiện tốt, đó là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ nhiệm vụ cải cách hành chính; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đầu tư nguồn lực xứng đáng về tài chính, con người; lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, người dân với thái độ cầu thị để đẩy mạnh cải cách hành chính.
Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp, sẽ khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.