(HNM) - Năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thử thách, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, Hà Nội đã không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Tuy nhiên, trước diễn biến có chiều hướng phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, ngay từ những ngày đầu năm 2021, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát, ngăn chặn dịch lây lan, trước mắt là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Chủ động phòng, chống dịch từ sớm
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2020, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đều được kiểm soát. Đơn cử như bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 6.725 ca mắc, giảm 45% so với năm 2019, trong đó có 2 ca tử vong tại quận Nam Từ Liêm và quận Hoàn Kiếm; sởi có 15 ca, giảm 1.755 ca so với năm 2019; tay chân miệng có 3.109 ca, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2019, nhưng không ghi nhận ca tử vong. Ngoài ra, một số dịch bệnh khác có ca mắc rải rác, như: Ho gà 6 ca, viêm não Nhật Bản 6 ca, não mô cầu 2 ca… Đặc biệt, cùng với cả nước, thành phố đã kiểm soát được dịch Covid-19. Tính đến ngày 10-1-2021, Hà Nội đã qua 146 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng.
Để có được kết quả này, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị. Điểm nhấn là Hà Nội đã chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch từ rất sớm. Ngay từ đầu năm 2020, nhờ đánh giá, dự báo đúng tình hình dịch Covid-19, thành phố đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp chống dịch. Cùng với đó, hệ thống giám sát, xử lý dịch được tổ chức chặt chẽ từ thành phố đến cơ sở. Đội ngũ nhân viên y tế đã khắc phục mọi khó khăn, tuân thủ đúng quy chế chuyên môn, góp phần tích cực đẩy lùi dịch bệnh.
Song, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, trên thế giới, dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, chưa có xu hướng giảm. Thậm chí, một số quốc gia đã ghi nhận biến chủng của vi rút SARS-CoV-2. Mặc dù một số nước đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng vắc xin phòng dịch Covid-19, nhưng để đạt được miễn dịch cộng đồng là một quá trình lâu dài. Còn trong nước, một số đơn vị thực hiện việc cách ly tập trung người nhập cảnh chưa đúng quy định, tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra. Thêm vào đó, việc giao lưu, đi lại, tổ chức các sự kiện tập trung đông người gia tăng dịp cuối năm cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch lây lan. “Thời điểm này, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào thành phố còn cao hơn thời điểm trước”, ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý.
Cùng với dịch Covid-19, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, các dịch bệnh khác, như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cúm… cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện và lan rộng. Thậm chí, các dịch bệnh có vắc xin phòng bệnh, như: Ho gà, bạch hầu, sởi… cũng có nguy cơ gia tăng số ca mắc do còn “khoảng trống” miễn dịch trong cộng đồng vì tiêm chủng chưa đầy đủ.
Giữ vững thành quả chống dịch
Phát huy kết quả về phòng, chống dịch thành phố đã đạt được, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho rằng, trong năm 2021, nhất là thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội phải quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, nâng cao năng lực kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm, năng lực xét nghiệm, sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư y tế nhằm ứng phó kịp thời nếu dịch bệnh xảy ra.
Để công tác kiểm soát dịch hiệu quả, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị, lực lượng chức năng của thành phố và của các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý chặt người nhập cảnh tại sân bay, các khu cách ly, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh trái phép… Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục duy trì thường trực 24/24 giờ đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương không được chủ quan, cần thực hiện tốt giám sát dịch, phát hiện sớm ca bệnh, từ đó khoanh vùng, dập dịch kịp thời. Đây cũng chính là những yếu tố then chốt quyết định việc thành bại của công tác phòng, chống dịch trong năm mới 2021.
Đối với các bệnh có vắc xin phòng, theo ông Hoàng Đức Hạnh, các đơn vị cần tiếp tục triển khai tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt lưu ý công tác tiêm chủng với các bệnh có nguy cơ bùng phát cao. Cùng với đó, tăng cường truyền thông đến người dân việc thực hiện “thông điệp 5K” trong phòng, chống dịch Covid-19 (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế). Khi người dân phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, nghi ngờ mắc bệnh, nghi ngờ có dấu hiệu dịch tễ liên quan đến dịch Covid-19 trên địa bàn, cần thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.