Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để ''chảy máu'' nguồn lực đất đai

Thế Văn| 14/05/2022 07:14

(HNM) - Về vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân…”.

Vấn nạn đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí… không mới, nhưng luôn là vấn đề “nóng”. Những câu chuyện “chảy máu” nguồn lực đất đai, “đất vàng” bỏ hoang lãng phí… nhiều lần làm “nóng” nghị trường Quốc hội, nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Thậm chí có nhiều vụ việc sử dụng đất không đúng mục đích kéo dài trong nhiều năm không được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Và rất đáng lo ngại, đất đai vẫn là “miếng mồi ngon” cho tham nhũng, tiêu cực.

Một con số thống kê đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng tải: Giai đoạn 2016-2021 vẫn còn hơn 650 triệu mét vuông đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật…; từ năm 2018 đến nay đã thu hồi hoặc hủy bỏ 366/575 dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng với diện tích là hơn 99 nghìn héc ta… Tình trạng đất đai chưa sử dụng, để lãng phí diễn ra ở hầu hết các địa phương trong khi việc thu hồi các dự án có sai phạm vẫn còn nhiều rào cản.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan như doanh nghiệp nhận đất dự án nhưng làm ăn thua lỗ, bị giải thể, phá sản hoặc do thiên tai nên buộc phải chấm dứt hoạt động đầu tư…, có thể nhận định, tình trạng nêu trên phần nhiều do các nguyên nhân chủ quan. Đó là những hạn chế, yếu kém trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai chậm được khắc phục; tình trạng buông lỏng quản lý ở một số địa phương không ngăn chặn, xử lý kịp thời sai phạm… Trong khi đó, chế tài xử lý các vi phạm hành chính cũng như trách nhiệm của người đứng đầu chưa đủ mạnh để hạn chế tình trạng sử dụng đất lãng phí, sai mục đích…

Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận định: Để khắc phục tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, trước hết, các địa phương, trong đó có Hà Nội cần có một quyết tâm mới, xử lý dứt điểm các dự án “treo”, sử dụng đất sai mục đích; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai để giao cho chủ đầu tư có năng lực thực hiện; tăng tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát không để phát sinh thêm sai phạm…

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật có liên quan nhằm hạn chế những yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất; chính sách tài chính về đất đai; chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường… Mặt khác là thống nhất và đồng bộ các quy định pháp luật về thời hạn thu hồi đất với các dự án chậm triển khai, không triển khai hoặc triển khai không đúng với quy hoạch. Cùng với đó là tăng cường các giải pháp phòng ngừa, bổ sung các biện pháp, chế tài… xử lý nghiêm khắc các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.

Một giải pháp quan trọng là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân, tạo sự đồng thuận cao, đưa các chính sách pháp luật về đất đai vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, qua đó nâng cao ý thức thực thi pháp luật cũng như hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, kiên quyết không để “chảy máu” nguồn lực đất đai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để ''chảy máu'' nguồn lực đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.