Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để bánh trung thu kém chất lượng “tuồn” ra thị trường

Thu Trang| 16/08/2018 07:09

(HNM) - Trước nỗi lo của người tiêu dùng về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh trung thu, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh trung thu trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ).


- Công tác kiểm tra thị trường bánh trung thu năm nay sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

- Các cơ quan chức năng của thành phố và các quận, huyện, thị xã sẽ tiến hành các đợt kiểm tra chất lượng bánh kẹo, bánh trung thu tại các làng nghề truyền thống như: Xuân Đỉnh, Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), La Phù (huyện Hoài Đức) và các cơ sở sản xuất, các nhà hàng, khách sạn có sản xuất bánh trung thu…

Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh phụ gia thực phẩm, các nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu cũng nằm trong diện kiểm tra lần này. Nội dung kiểm tra chủ yếu là nguồn gốc, xuất xứ của phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu (gồm vỏ bánh và nhân bánh), kiểm tra điều kiện nhà xưởng sản xuất, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm bánh trung thu, lấy mẫu giám định chất lượng.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt từ nguồn, cơ sở mua nguyên liệu ở đâu phải có nguồn gốc, xuất xứ và phải được kiểm soát. Không chỉ trước, trong mà sau Tết Trung thu, chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra để tránh trường hợp bánh hết hạn sử dụng, bánh kém chất lượng “tuồn” ra thị trường.

- Qua kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm thành phố tại một số quận, huyện, ông có đánh giá gì về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh trung thu năm nay?

- Hiện tại, việc kiểm tra chất lượng bánh trung thu được tiến hành song song với công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra tại một số quận, huyện, chúng tôi thấy rằng, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu. Chúng tôi cũng đã trực tiếp xuống kiểm tra tại một số cơ sở và thấy rằng, việc chấp hành các quy định của pháp luật về các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu năm nay so với những năm trước khá hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở chấp hành nghiêm các quy định vẫn tồn tại những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ, khu vực sản xuất lộn xộn, gắn với nơi sinh hoạt của gia đình, điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm… Trong quá trình kiểm tra tại các cơ sở, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu một số nguyên liệu làm bánh như: Lạp xưởng, bột, hạt sen… để xét nghiệm nhanh ngay trên xe kiểm nghiệm lưu động. Nếu phát hiện sản phẩm không bảo đảm chất lượng, chúng tôi lập tức cho dừng lưu thông.

- Trong quá trình kiểm tra, việc xử lý vi phạm như thế nào để thực sự mang lại hiệu quả?

- Mục tiêu đầu tiên của công tác thanh tra, kiểm tra là ngăn chặn và xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời kết hợp truyền thông trực tiếp cho chủ cơ sở và người sản xuất bánh trung thu. Đối với những lỗi vi phạm mà không làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, các đoàn kiểm tra sẽ hướng dẫn doanh nghiệp biết để khắc phục và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đối với những lỗi nguyên liệu phụ gia không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thì dù là nguyên liệu và phụ gia đó nằm trong danh mục cũng kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định… Chúng tôi rất mong người dân cùng chung tay giám sát an toàn thực phẩm, khi phát hiện cơ sở vi phạm thông tin ngay về Đường dây nóng: Sở Công Thương: 1900585826; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 0243 380 0115; Sở Y tế: 0243 998 5765.

- Ông có thể cho biết, sản phẩm bánh trung thu an toàn phải bảo đảm đầy đủ những tiêu chí gì? Và người tiêu dùng cần lưu ý những gì khi mua và sử dụng bánh trung thu?

- Những loại bánh chính hãng sẽ công khai thành phần, tiêu chuẩn chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng… trên nhãn mác để người tiêu dùng tự kiểm chứng, quyết định mua. Trong khi những loại bánh trôi nổi, không nguồn gốc lại giấu những thông tin quan trọng nhất về thành phần nguyên liệu, tiêu chuẩn chất lượng… Đối với những loại bánh này, dù cho giá rẻ đến mấy cũng không nên mua. Một lưu ý nữa, sản phẩm bánh trung thu sẽ được người sản xuất sử dụng các loại màu thực phẩm. Nếu sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép, thì an toàn với sức khỏe; nếu sử dụng phải loại bánh có chứa chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm, thì vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.

Do đó, người tiêu dùng không nên mua và ăn những loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không công khai bảng nguyên liệu thành phần, tiêu chuẩn chất lượng. Nên lựa chọn sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không ham rẻ và chọn những loại bánh có màu sắc bắt mắt, hấp dẫn vì không bảo đảm cho sức khỏe con người. Riêng đối với các loại bánh trung thu nhập ngoại, nếu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng được coi là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua. Khi mua bánh về, nếu thấy dấu hiệu bánh hỏng, không được sử dụng, kể cả bánh chính hãng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để bánh trung thu kém chất lượng “tuồn” ra thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.