Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không ”đánh trống bỏ dùi”

Vũ Duy Thông| 02/07/2014 05:54

(HNM) - Bắt đầu từ hôm qua 1-7, cả nước đã đồng loạt ra quân xử lý mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, gọi cho đúng là mũ bảo hiểm rởm. Nét mới ở "chiến dịch" này là trong đợt đầu ra quân, cơ quan chức năng lấy việc giáo dục, tuyên truyền làm chủ yếu, chưa nặng về xử phạt. Có thể nói đây là một đợt nâng cao nhận thức cho người sử dụng mũ bảo hiểm, một trong những khâu quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn.

Phải khẳng định rằng, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy là một chủ trương đúng, trước hết vì sự an toàn của hàng chục triệu người dân. Tuy nhiên, một chính sách nhân văn như vậy vì sao lại chưa thực sự đi vào cuộc sống? Thực tế hằng ngày không khó bắt gặp nhiều người tham gia giao thông, nhất là thanh niên, đã cố tình không chấp hành chủ trương này, thể hiện qua việc không chịu đội mũ bảo hiểm. Họ nại đủ lý do để biện minh cho vi phạm của mình, nào là nóng bức, vướng víu, cản trở tầm nhìn… Bên cạnh đó, cũng không ít người đối phó bằng cách đội mũ bảo hiểm không đúng quy định, sử dụng mũ không hợp chuẩn với lý do vừa rẻ vừa thời trang, lại "lách" được luật. Chính vì vậy đã dẫn tới tình trạng thị trường xuất hiện tràn lan các loại mũ bảo hiểm không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, kèm theo đó là sự bung ra của các nhà sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm rởm, mải chạy theo lợi nhuận mà không đếm xỉa đến nguy cơ thiệt hại đến sức khỏe, tài sản, thậm chí cả tính mạng của người tiêu dùng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mặc dù có tới 90% nạn nhân của các vụ tai nạn mô tô, xe máy có đội mũ bảo hiểm, nhưng tỷ lệ chấn thương sọ não vẫn lên tới 70%. Bên cạnh sự buông lỏng quản lý trong lĩnh vực an toàn giao thông, chế tài xử phạt thiếu sức răn đe… thì nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm diễn ra khá phổ biến là do một bộ phận không nhỏ người dân còn thiếu ý thức chấp hành pháp luật, "nhờn luật" tới mức coi nhẹ cả tính mạng, tài sản của bản thân mình. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự "bỏ ngỏ" của các cơ quan chức năng liên quan đến công tác quản lý đầu tư, quản lý thị trường, kiểm định chất lượng… đã dẫn tới sự phát triển "như nấm sau mưa" của các loại mũ bảo hiểm rởm, không bảo đảm chất lượng, có xuất xứ từ các cơ sở sản xuất trong nước hoặc nhập về qua đường tiểu ngạch…

Việc tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không phải bây giờ mới bắt đầu, mà các cơ quan chức năng đã thực hiện từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, rõ ràng những gì diễn ra trong thực tế đã cho thấy lâu nay việc triển khai công tác này chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Để việc đội mũ bảo hiểm thực sự đi vào nền nếp, trở thành một ý thức, một thói quen trong đời sống người dân, đòi hỏi phải đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo được sự đồng thuận của người dân đối với một chủ trương lớn của Nhà nước, có liên quan đến lợi ích thiết thân của mỗi người. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải nghiêm túc, quyết liệt trong công tác kiểm soát thị trường, từ khâu sản xuất đến phân phối lưu thông nhằm xóa bỏ tận gốc các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, không hợp chuẩn. Và quan trọng hơn cả là dư luận trông đợi đợt ra quân này sẽ thực sự đạt hiệu quả chứ không "đánh trống bỏ dùi" như những lần trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không ”đánh trống bỏ dùi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.