Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không còn “sóng” vàng

Hà Linh| 18/07/2017 07:22

(HNM) - Không còn những


Giá vàng ít biến động là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Ảnh: Sơn Hà


Mặc dù không quá rẻ, giá vàng trong nước vẫn đang duy trì ngưỡng hơn 36 triệu đồng/lượng, nhưng so với những thời điểm "đỉnh" (48 triệu đồng/lượng), giá vàng đang ở mức thấp. Hơn nữa, ngưỡng 36 triệu đồng/lượng của vàng được duy trì suốt thời gian dài, kể từ cuối năm 2016 đến nay. Không đến mức đứng yên một chỗ, giá vàng có tăng, giảm, nhưng biên độ không quá lớn. Tuy vậy, sự ổn định của giá vàng đã khiến kênh đầu tư này từ chỗ hấp dẫn trở nên kém thu hút.

Trong nhiều phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 36,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,28 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá mua bán vàng SJC là 36,14 triệu đồng/ lượng (mua vào) - 36,32 triệu đồng/lượng (bán ra). Trước đó vài phiên, giá vàng có thời điểm lùi xuống sát ngưỡng 36 triệu đồng/lượng. Mặc dù giá vàng đã từng "leo" lên gần 37 triệu đồng/lượng, nhưng trước diễn biến giảm của thị trường thế giới, cộng với sự thờ ơ của giới đầu tư trong nước, vàng đã mất đi vị thế kênh đầu tư số 1.

Giá vàng trong nước không có nhiều biến động do chịu ảnh hưởng chủ yếu từ thị trường thế giới. Với những quan điểm nới lỏng hơn trong chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giá vàng nhích nhẹ từ dưới ngưỡng 1.200 USD/ounce lên 1.221 USD/ounce. Quy đổi ra VND, nếu tính theo tỷ giá của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chưa tính thuế, phí, gia công, chênh lệch giữa thị trường trong nước và quốc tế khoảng 2,7 triệu đồng.

Đã từng đánh giá cao kênh đầu tư vàng, chị Trịnh Kim Hòa (phố Xã Đàn) cho biết, hơn một năm nay chị không chọn vàng để “gửi gắm” nguồn vốn. Theo chị Hòa, vàng hấp dẫn bởi biên độ tăng, giảm lớn trong một ngày, hoặc trong vài ngày, nên khi “sóng” vàng không còn, kênh đầu tư này không còn sức thu hút. Cũng giống chị Hòa, anh Nguyễn Ngọc Vũ (phố Lê Duẩn) cho rằng, giá vàng ổn định trong một thời gian quá dài, nên khó “lướt sóng”.

Tuy nhiên, giá vàng ít biến động lại là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, bởi nhiều người đã không còn quá coi trọng vàng để tìm mọi cách mua vàng đầu cơ, hay đơn giản là để tích trữ. Thay vào vàng, những kênh đầu tư khác như thị trường chứng khoán, bất động sản, hay gửi tiết kiệm đã “hút” một lượng lớn nhà đầu tư. Tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế đã dần bị đẩy lùi, VND có vị thế hơn.

Mặc dù không ít nhà đầu tư đã “quay lưng” với vàng để tìm đến một nơi “trú ẩn” khác cho dòng tiền, song vẫn có những người tìm đến vàng. Theo đánh giá của Tập đoàn DOJI, những nỗi lo về việc lạm phát có thể "leo thang", căng thẳng từ chính trường giữa Mỹ và các nước đứng đầu Châu Âu trong cuộc họp G20 đã phần nào hỗ trợ cho giá vàng thế giới. Song hành với những diễn biến tích cực từ giá vàng thế giới, giá vàng trong nước có mấy phiên tăng điểm. Dù lực tăng không nhiều, nhưng cũng tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư.

Giá vàng thế giới đã có sự hồi phục so với trước, nhưng với tốc độ chậm do giới đầu tư khá thận trọng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương các nước đang tiến hành thắt chặt tiền tệ. Giá vàng tăng nhẹ trong những phiên gần đây để thoát “đáy” 4 tháng trong phiên giao dịch nhờ đồng USD giảm và chứng khoán Mỹ mất điểm. Nhưng, đà phục hồi của vàng vẫn yếu và không bền vững. Giá vàng vẫn thiếu động lực. Do vậy, giới đầu tư vẫn cần thận trọng và không nên quá kỳ vọng với vàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không còn “sóng” vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.