Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không còn nhiều thời gian

Nữ Quỳnh| 29/07/2012 06:20

(HNM) - Sau khi hàng loạt các hiệp hội ngành hàng liên tiếp gửi văn bản lên Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương "kêu cứu", đề nghị được hỗ trợ vượt qua khó khăn…, tuần này, Bộ Công thương đã tổ chức liền hai cuộc "trưng cầu" ý kiến về đề án "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp". Vậy là sau những "tiếng kêu thống thiết", các doanh nghiệp đang có cơ sở để bấu víu vào thời điểm mà dường như đã "sức cùng, lực kiệt".


Tuy nhiên, những thông tin được đưa ra sau cả hai cuộc trưng cầu nói trên đều cho thấy những hụt hẫng nhất định, khi nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá là nhiều nội dung của đề án mang tính hình thức, chung chung. Mà nói như lời Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) được báo chí dẫn lại thì một số nội dung chưa ban hành đã lạc hậu rồi.

Dĩ nhiên, nói là "giải cứu" doanh nghiệp ở đây cũng không thể hiểu như có thể "hô biến" để doanh nghiệp vụt lên vững mạnh. Thực chất chỉ là những chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tự đứng lên. Song những giải pháp ấy của Nhà nước nhất thiết phải cụ thể, khả thi và thiết thực thì doanh nghiệp mới có thể hạ bớt được gánh nặng trên vai vào lúc này. Suốt cả một thời gian dài vừa qua, có lẽ "điệp khúc" doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì thiếu vốn, hàng hóa tồn kho… đã quá quen thuộc với dư luận. Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều chính sách khác nhau để hỗ trợ. Nhưng cũng có nhiều chuyện có vẻ như chúng ta được nghe nói nhiều hơn là làm, và đây chính là điều khiến nhiều doanh nghiệp trăn trở, thậm chí lung lay niềm tin. Điển hình được dư luận nhắc đến có lẽ là giải pháp hỗ trợ về lãi suất và nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước có văn bản "buộc" các ngân hàng phải hạ lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn "rẻ". Thế nhưng, tình trạng "trên bảo dưới không nghe" đã xảy ra. Đến nay doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn "kêu trời" khi họ không được ngân hàng tạo điều kiện. Và sự thực là lợi nhuận có cao đến mấy thì doanh nghiệp cũng đuối, không đủ sức trả lãi ngân hàng.

Trong đề án mới nhất của Bộ Công thương, cũng như nhiều gói giải pháp đưa ra trước đây, biện pháp kích cầu tiêu dùng được nhắc tới nhiều lần, nhưng xem ra hiệu quả cũng chưa như mong muốn, nên mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp cũng chưa đạt được. Chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" vẫn hô hào là chính, chứ chưa thấy có những chính sách để cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc, chẳng hạn quy định các cơ quan, ban ngành khi mua sắm thiết bị, vật tư, hàng hóa phải chọn hàng Việt… Làm tốt việc này sẽ góp phần đáng kể giảm tình trạng hàng tồn kho đang bức bối hiện nay.

Nói như vậy để thấy, lúc này việc "làm" sẽ quan trọng hơn "nói". Nó quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp, rộng hơn là tính bền vững của nền kinh tế đất nước. Ngay tại các cuộc trưng cầu nói trên, có những ý kiến cho rằng, thời điểm này, Nhà nước nên có những biện pháp mạnh tay hơn, cụ thể hơn, làm như một "chiến dịch" để giải cứu doanh nghiệp chứ không chỉ là "tháo gỡ khó khăn". Cần có giải pháp riêng cho từng ngành, từng nhóm đặc thù, nhất là những ngành có tác động lớn đến nền kinh tế. Tránh tình trạng chung chung như từng làm thời gian qua. Đặc biệt là phải làm ngay, không trù trừ vì sự thực là không còn nhiều thời gian nữa. Nói như Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thì "để chậm ngày nào sẽ thiệt hại cho doanh nghiệp ngày đó".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không còn nhiều thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.