Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không còn dư vị “tuần trăng mật”

Quỳnh Chi| 14/05/2011 05:52

(HNM) - Khi đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ tự do chấp thuận phương án chia sẻ quyền lực trong liên minh cầm quyền nước Anh vào ngày 12-1-2010, không ít người đã tỏ ý nghi ngờ về "tuổi thọ" của "cuộc hôn nhân" đầu tiên trong chính phủ kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II. Thực tế đã chứng minh mối ngờ vực này là hoàn toàn có cơ sở.

Liên minh cầm quyền giữa đảng Bảo thủ của Thủ tướng D.Cameron (trái) và
Phó Thủ tướng N.Clegg đang bước vào giai đoạn khó khăn.

Sau đúng 1 năm "vai kề vai" điều hành đất nước, ngày càng có những dấu hiệu chứng tỏ tình trạng "ông chẳng, bà chuộc" giữa Thủ tướng David Cameron - thủ lĩnh đảng Bảo thủ và Phó Thủ tướng Nick Clegg - lãnh đạo đảng Dân chủ tự do, nhất là sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hệ thống bầu cử ở xứ Sương mù diễn ra vào cuối tuần trước. Trong khi Thủ tướng D.Cameron muốn duy trì cách thức hiện hành - ứng cử viên giành nhiều phiếu nhất ở khu vực bầu cử của mình sẽ trở thành đại biểu quốc hội, cho dù số phiếu họ nhận được không quá bán thì Phó Thủ tướng N.Clegg lại ủng hộ cách khác - cử tri đánh dấu ứng cử viên mình lựa chọn theo thứ tự ưu tiên và kết quả được phân định bằng việc đếm số phiếu của các ứng cử viên theo thứ tự ưu tiên này; đặc biệt, người đắc cử phải nhận được hơn 50% tổng số phiếu tại khu vực bầu cử của mình. Đảng Dân chủ tự do và các đảng nhỏ khác sẽ có nhiều cơ hội gia tăng số ghế trong quốc hội nếu sự thay đổi chế độ bầu cử được chấp nhận. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý lại nghiêng về phía ông chủ số 10 phố Downing và lẽ dĩ nhiên đây không thể là tin vui đối với "phó tướng" N.Clegg và các thành viên đảng Dân chủ tự do.

Tình cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" giữa đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ tự do đang đẩy uy tín của Chính phủ Anh tụt dốc thảm hại. Theo kết quả thăm dò dư luận do Viện Giám sát độc lập "Institute for Government" tiến hành, có tới 2/3 số người được hỏi ý kiến cho rằng chính phủ liên hiệp giữa đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ tự do hoạt động kém hiệu quả hơn so với chính phủ tiền nhiệm của Công đảng. Thậm chí, gần 50% số người ủng hộ đảng Dân chủ tự do được hỏi ý kiến không muốn nước Anh có chính phủ liên hiệp. Khoảng 61% số người từng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ tự do trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái đã quay sang ủng hộ đảng khác vì họ cho rằng chính đảng này đã đánh mất những nguyên tắc cơ bản khi tham gia chính phủ liên hiệp.

Trong bối cảnh này, nhiều nhà quan sát đã tính tới khả năng đảng Dân chủ tự do sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, chia tách vào thời điểm này đều là không khôn ngoan vì sự suy yếu của cả hai sẽ tạo thuận lợi cho Công đảng trong cuộc tổng tuyển cử mới. Trong khi đó, cả đảng Bảo thủ và Dân chủ tự do đều chưa đủ tiềm lực để có thể giành chiến thắng đa số. Vì vậy, Thủ tướng D.Cameron và Phó Thủ tướng N.Clegg vẫn phải kéo dài mối quan hệ bằng mặt mà không bằng lòng, một giải pháp được cho là sáng giá nhất hiện nay.

Thế nhưng "cuộc hôn nhân" gượng ép giữa hai đảng cầm quyền không khỏi khiến các cử tri lo ngại về tương lai của đất nước, nhất là vào thời điểm đảo quốc này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức nan giải như nền kinh tế rệu rã vì tác động của cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực và sự dấn thân chưa thấy ngày về của Anh vào cuộc chiến Libya. Bên cạnh đó, cơn thịnh nộ của người dân liên quan tới những chính sách cải cách nhằm lấp lỗ thủng ngân sách đang ở mức kỷ lục 163,4 tỷ bảng trong thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Sau đợt xuống đường rầm rộ của giới học đường hồi đầu năm để phản đối chính sách tăng học phí của các trường đại học thì nay, tới lượt giới chức trong ngành y tế nước Anh đang đấu tranh mạnh mẽ nhằm chống lại việc cải tổ Luật Bảo hiểm y tế mà Chính phủ đang muốn được Quốc hội nước này thông qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không còn dư vị “tuần trăng mật”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.