(HNMO)- Không chỉ 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bị áp giá trần, mà các mặt hàng sữa khác dành cho đối tượng trên cũng bị áp giá tối đa theo quy định của Bộ Tài chính.
Nhiều mặt hàng sữa trẻ em khác cũng bị áp giá trần. Ảnh minh họa |
Chiều 27/5, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo thông tin về biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Tại đây, ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, không chỉ 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bị áp giá trần mà Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xem xét áp giá trần với các mặt hàng sữa khác dành cho đối tượng trên.
Điều này được thể hiện rõ tại văn bản 6544 của Bộ Tài chính vừa ban hành hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo đó, tổ chức, cá nhân có sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa đã được công bố giá bán buôn tối đa tại Quyết định số 1079 thực hiện xác định giá bán buôn tối đa đối với các sản phẩm sữa còn lại bằng việc căn cứ vào sản phẩm sữa của mình trong danh mục 25 sản phẩm sữa, lựa chọn sản phẩm sữa tương đương về trọng lượng; quy cách đóng gói; thông tin chất lượng với sản phẩm sữa cần xác định giá bán buôn tối đa.
Căn cứ mức giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa lựa chọn nêu trên và tương quan về giá giữa sản phẩm sữa lựa chọn và sản phẩm sữa cần xác định giá để tính toán giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa đó. Trong đó, tương quan về giá dựa vào thông tin theo dõi thị trường của tổ chức, cá nhân và các thông tin cần thiết khác (nếu có).
Trường hợp có thay đổi về quy cách đóng gói, bao bì, mẫu mã và thông tin chất lượng được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì là sản phẩm mới. Vì vậy, tổ chức, cá nhân phải xác định giá bán buôn tối đa theo quy định trên.
Đối với tổ chức, cá nhân có sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường không thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa, thực hiện xác định giá bán buôn tối đa đối với các phẩm sữa của mình bằng việc căn cứ vào danh mục sản phẩm sữa của mình, tổ chức, cá nhân lựa chọn sản phẩm sữa chuẩn có tương quan về trọng lượng; quy cách đóng gói; thông tin chất lượng gần nhất với sản phẩm thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa để xác định giá bán buôn tối đa.
Căn cứ mức giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa, xác định giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa chuẩn nêu trên theo tương quan về giá giữa sản phẩm sữa chuẩn và sản phẩm sữa đã được công bố giá bán buôn tối đa. Trong đó, tương quan về giá dựa vào thông tin theo dõi thị trường của tổ chức, cá nhân và các thông tin cần thiết khác (nếu có).
Giá bán buôn tối đa của các sản phẩm sữa còn lại được xác định trên cơ sở tương quan với sản phẩm chuẩn nêu trên theo nguyên tắc đã quy định. Trường hợp có thay đổi chênh lệch về trọng lượng, xác định giá bán buôn tối đa thực hiện theo quy định…
Tổ chức, cá nhân có sản phẩm sữa mới đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng và cấp phép lưu hành nhưng chưa lưu thông trên thị trường, việc xác định giá bán buôn tối đa căn cứ vào quy định về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính và so sánh về giá của sản phẩm sữa đó với các sản phẩm sữa tương đương đã được công bố giá tối đa.
Giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng (+) các chi phí hợp lý khác có liên quan nhưng tối đa không quá 15% của giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, tỷ lệ 15% là tỷ lệ dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất.
Các chi phí hợp lý khác có liên quan được xác định theo quy định tại Thông tư số 25/2013 của Bộ Tài chính về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính. Trường hợp có nhiều khâu phân phối, giá bán lẻ tối đa cũng chỉ được xác định cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá).
Trường hợp có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý giá ở địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện xác định giá bán lẻ tối đa theo công văn này và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý giá ở địa phương.
Giá sữa bán buôn sẽ bị áp giá trần từ 1/6 tới. Giá bán lẻ bị áp muộn hơn 20 ngày nhằm tạo điều kiện để các cửa hàng bán hết số sữa mà họ đã nhập về trước đó.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về khảo sát trên thị trường cho thấy một số loại sữa sau khi áp giá trần lại tăng giá so với hiện tại và doanh nghiệp dùng chiêu để lách giá trần, ông Nguyễn Trọng Nghĩa-Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, việc này đã được “giải quyết” tại văn bản số 6544 hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có quy định, trường hợp có nhiều khâu phân phối, giá bán lẻ tối đa cũng chỉ được xác định cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá).
Theo ông Nghĩa, trong quá trình đưa ra quyết định áp giá trần đối với mặt hàng sữa, Bộ Tài chính đã làm việc với nhiều doanh nghiệp và hầu hết cam kết tuân thủ pháp luật. Để việc áp trần được thực hiện triệt để, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương, bên khâu nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường chỉ đạo thực hiện. “Mặc dù doanh nghiệp cam kết thực hiện nhưng việc thực hiện áp giá trần với mặt hàng sữa phải kiên trì kiên trì, vừa truyền thông vừa đối thoại, vừa phân tích, phát hiện và xử lý.”-Ông Nghĩa nói.
Giải đáp thắc mắc về cơ sở áp giá trần với mặt hàng sữa, có áp dụng khác nhau giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước hay không bởi doanh nghiệp nước ngoài có thể chuyển giá, ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, việc áp trần dự và 3 yếu tố là kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp sữa; diễn biến tình hình giá sữa thời gian qua và tham khảo giá sữa cùng loại tại thị trường các nước khu vực. Với doanh nghiệp nước ngoài, không có sự phân biệt mà đều dựa vào pháp luật để thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.