Góc nhìn

Không chấp nhận “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”

Chí Kiên 23/03/2024 - 06:22

Những năm gần đây, cụm từ “tăng trưởng xanh” thường xuyên được nhắc và nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đặc biệt quan tâm. Nước ta đã xây dựng chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn.

Tăng trưởng xanh có thể hiểu ngắn gọn là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Đây là một trong những giải pháp cốt lõi để kiến tạo không gian phát triển bền vững ở mỗi quốc gia.

Vậy ở Việt Nam, tăng trưởng xanh đang diễn ra như thế nào?

Trước hết phải khẳng định, những năm qua, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta về tăng trưởng cũng như thu hút đầu tư phát triển đất nước là luôn lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là nguồn động lực và mục tiêu của sự phát triển; đồng thời nhấn mạnh quan điểm không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Từ quan điểm chỉ đạo này cho thấy, tăng trưởng xanh mà chúng ta đang theo đuổi đóng một vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.

Thực tế cho thấy, nước ta đã, đang có những bước đi mạnh mẽ cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng xanh. Nổi bật là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1-10-2021). Trong đó nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng xanh nhằm đạt được “thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”.

Đặc biệt, Việt Nam mặc dù là quốc gia đang phát triển, cần nhiều nguồn lực để đáp ứng ngay các nhu cầu phát triển, nhưng nước ta vẫn cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 (tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - COP26). Việt Nam cũng đang tích cực tham gia Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á; Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng…

Đáng chú ý, nước ta đã, đang đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai Kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030, với mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt một triệu héc ta, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai… Gần đây, Việt Nam cũng thực hiện hiệu quả các dự án tạo ra tín chỉ carbon từ rừng, trồng lúa… Qua đó vừa bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, vừa thu lợi về kinh tế khi bán tín chỉ carbon, mặt hàng lúa gạo xuất khẩu ngày càng nâng cao về chất lượng…

Trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng xanh được thể hiện rõ qua việc thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn, thân thiện môi trường, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ít thâm dụng tài nguyên thiên nhiên… Đặc biệt, chúng ta đã, đang thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu; hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh; đẩy mạnh khai thác hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới như năng lượng gió, mặt trời, điện rác…

Có thể khẳng định, nước ta đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể tạo đà mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Vì thế, trong quá trình phát triển đất nước, Việt Nam xác định, tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi (cùng với chuyển đổi số) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững. Với quan điểm phát triển rõ ràng như vậy, trong phát biểu tại

Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), với chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh”, diễn ra sáng 19-3 vừa qua tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ: Kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng.

Không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”, có thể hiểu là tăng trưởng phải hướng đến hiệu quả bền vững và muốn vậy rõ ràng phải xuất phát từ tăng trưởng xanh. Đây là xu thế tất yếu và cũng là mục tiêu của mọi quốc gia, một động lực tăng trưởng mới mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này. Và ở Việt Nam, với những bước đi thận trọng, vững chắc trên tiến trình này đã, đang mang đến những động lực mới cho tăng trưởng và hơn thế là tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chấp nhận “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.