Giáo dục

Tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục

Hồng Hạnh 12/07/2023 - 07:07

Việc thành phố Hà Nội áp dụng mức học phí học sinh mầm non, phổ thông công lập năm học 2023-2024 bằng với mức thấp nhất trong khung quy định của Chính phủ, đồng thời với việc duy trì các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập được người dân Thủ đô đồng thuận.

Hầu hết các bậc phụ huynh học sinh cho rằng, đây là quyết định giàu tính nhân văn của thành phố Hà Nội nhằm bảo đảm an sinh xã hội và tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa các học sinh, nhất là trong điều kiện còn có sự chênh lệch về kinh tế - xã hội ở các địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Cúc, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân):
Cần ưu tiên ngân sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn

ykien-nguyen-thi-cuc.jpg

Thực chất, mức học phí của học sinh mầm non, phổ thông công lập áp dụng từ năm học mới đã được thực hiện từ năm học 2022-2023. Tuy nhiên, nhờ chính sách nhân văn của thành phố Hà Nội, trong 2 năm học vừa qua, gia đình học sinh chỉ phải đóng một phần học phí.

Theo tôi, đời sống của hầu hết người dân thành phố từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát đến nay đã dần ổn định. Từ ngày 1-7 vừa rồi, công nhân, viên chức cũng đã được tăng lương cơ bản nên thu nhập khá hơn. Vì vậy, quyết định tạm dừng hỗ trợ học phí cho học sinh là điều bình thường, ngân sách thành phố cần ưu tiên hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, học sinh diện chính sách…

Theo tôi, việc đồng hành cùng nhà trường dành sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho học tập của con em mình là quyền lợi, cũng là trách nhiệm của mỗi phụ huynh học sinh. Vì thế, việc áp dụng mức học phí từ năm học 2023-2024 là cần thiết. Với các gia đình có 2-3 con đi học thì việc sắp xếp, điều chỉnh lại kế hoạch chi tiêu khi không còn sự hỗ trợ học phí có thể sẽ gặp chút khó khăn, nhất là vào thời điểm giá điện vừa tăng, giá nước cũng có kế hoạch tăng.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình):
Mức thu học phí phù hợp trong bối cảnh hiện nay

ykien-nguyen-thanh-huyen.jpg

Theo nghị quyết vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, tôi thấy mức học phí cao nhất là 300.000 đồng/học sinh/tháng, áp dụng với học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc địa bàn thành thị từ năm học 2023-2024 là phù hợp. Đây cũng là mức thu đã được áp dụng từ năm học 2022-2023, tuy nhiên khi đó gia đình học sinh chỉ phải đóng một phần, toàn bộ phần học phí còn lại đều được thành phố dành kinh phí từ ngân sách hỗ trợ. Đến nay, đời sống của hầu hết người dân đã khá hơn, vì vậy không quá khó khăn khi gia đình học sinh phải đóng toàn bộ học phí mà nhẽ ra đã phải đóng từ năm học trước.

Được biết, riêng năm 2022-2023, ngân sách của thành phố đã chi hơn 1.300 tỷ đồng để hỗ trợ học phí và thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động và gây hậu quả không nhỏ tới các mặt kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, quyết định của thành phố mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, góp phần bảo đảm an sinh và khẳng định chủ trương luôn ưu tiên, dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh. Chúng tôi tin tưởng và luôn đồng hành cùng nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ.

Bà Nguyễn Phương Thảo, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Hoa Anh Đào (quận Long Biên):
Sẵn sàng chung sức cùng các nhà trường

ykien-nguyen-phuong-thao.jpg

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023-2024 sẽ có khoảng 16.600 trẻ em mầm non, học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí. Tổng kinh phí từ ngân sách thành phố để thực hiện chế độ miễn giảm học phí là khoảng 16,6 tỷ đồng.

Trong bối cảnh còn nhiều việc cần khắc phục sau ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đây là số tiền không nhỏ từ ngân sách để bảo đảm an sinh xã hội, giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn yên tâm, động viên con duy trì việc học tập. Chúng tôi sẵn sàng chung tay góp sức với các nhà trường có thêm nguồn lực để hỗ trợ học sinh yếu thế, học sinh nghèo vượt khó, học sinh diện chính sách…

Tuy nhiên, để nâng tỷ lệ trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số và các xã miền núi ra lớp, góp phần đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, thành phố cần nghiên cứu, sớm ban hành thêm chính sách phát triển giáo dục miền núi, trong đó có ưu tiên đầu tư xây dựng trường, lớp học và mua sắm đồ dùng, đồ chơi, đồng thời với việc thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi và giáo viên trẻ nhận nhiệm vụ ở các địa bàn này…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.