Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng học phí, tăng hỗ trợ sinh viên nghèo

Thống Nhất| 17/05/2023 06:17

(HNM) - Thông tin Chính phủ vừa đồng ý về việc các cơ sở đào tạo đại học thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP khiến không ít gia đình có con chuẩn bị vào đại học lo lắng vì học phí là một trong những yếu tố để thí sinh quyết định chọn ngành, trường. Phía các nhà trường cho biết, mức tăng học phí sẽ được công bố cụ thể để người học chủ động về chi phí, bảo đảm tăng theo lộ trình. Các trường cũng dự kiến triển khai nhiều chính sách học bổng, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Một giờ thực hành công nghệ thông tin của sinh viên Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: Thu Hà

Tăng học phí theo lộ trình

Theo Nghị định số 81/2021/ NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ “quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”, từ năm học 2022 - 2023 các cơ sở giáo dục công lập được tăng học phí theo lộ trình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 20-12-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chưa tăng học phí để tiếp tục hỗ trợ học sinh, sinh viên.

Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo vào chiều 10-5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý phương án cho các trường đại học tăng học phí theo lộ trình tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, áp dụng từ năm học tới.

Ngày 15-5, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, nhà trường chờ văn bản chính thức và hướng dẫn xây dựng phương án học phí mới. Nhà trường là đơn vị công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên nên mức tăng sẽ nằm trong khung quy định, không gây khó khăn cho gia đình người học.

Một số trường đại học cũng đã thông báo dự kiến mức học phí mới từ năm học 2023-2024 với mức tăng khoảng 10% so với hiện tại. Đơn cử, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến mức học phí chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm/sinh viên; với chương trình chất lượng cao là 45 triệu đồng/năm/sinh viên - tăng 5 triệu đồng/năm/sinh viên so với hiện nay. Học viện Tài chính dự kiến mức học phí mới của chương trình đại trà là 22-24 triệu đồng/năm/sinh viên, tăng hơn 10% so với hiện nay. Trường Đại học Điện lực dự kiến mức học phí từ 16-18 triệu đồng/năm/sinh viên...

Nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên

Chủ trương tăng học phí năm học 2023-2024 khiến không ít phụ huynh học sinh, nhất là những gia đình khó khăn có con chuẩn bị vào đại học lo lắng. Phía các nhà trường đều khẳng định sẽ công khai, minh bạch mức thu học phí theo cả khóa học và từng năm học để gia đình người học có thể chủ động tính toán về khả năng tài chính, đồng thời vận hành thêm nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, trường dành khoảng 8% mức thu từ học phí để xây dựng các loại học bổng, hỗ trợ sinh viên. Ước tính, số kinh phí dành để hỗ trợ sinh viên trong năm học 2023-2024 là khoảng 3,5 tỷ đồng. Ba năm gần đây, nhà trường không tăng học phí. Hiện tại, nhà trường chưa có chủ trương điều chỉnh mức học phí mà đợi văn bản chính thức, tinh thần chung là tạo thuận lợi nhiều nhất cho sinh viên.

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, nhằm đồng hành, chia sẻ với gia đình sinh viên, tạo động lực cũng như cơ hội học tập cho sinh viên trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, năm học 2023-2024, nhà trường xây dựng và vận hành quỹ học bổng lên tới 50 tỷ đồng. Mức học bổng được xây dựng và trao cho các đối tượng sinh viên để bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, vừa khuyến khích sinh viên học tốt, vừa bảo đảm cơ hội học tập cho các sinh viên khó khăn, diện chính sách... Đặc biệt, năm học mới, nhà trường sẽ dành 10 suất học bổng của chủ tịch tập đoàn, trị giá từ 180 triệu đồng/suất đến 1 tỷ đồng/suất cho sinh viên học giỏi, hoàn cảnh khó khăn...

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, mức trần học phí đối với các trường đại học chưa tự chủ là 1,41-2,76 triệu đồng/tháng/sinh viên, tùy từng khối ngành. Các trường tự chủ được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên (2,8-5,5 triệu đồng/tháng/sinh viên). Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, nhà trường được tự xác định học phí nhưng phải công khai với người học...

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là khung chung, các trường căn cứ thực tế để quyết định và bảo đảm công khai. Để chuẩn bị cho thí sinh chủ động lựa chọn, quyết định nguyện vọng đăng ký vào trường, ngành phù hợp, trong kỳ tuyển sinh năm 2023, các trường phải thông tin đầy đủ về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học. Đồng thời, các trường cũng phải công khai về chính sách học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho sinh viên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng học phí, tăng hỗ trợ sinh viên nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.