Luận đàm thời sự

Không bất ngờ vẫn... gây sốc

Đại sứ Trần Đức Mậu 11/06/2024 06:45

Trong 4 ngày (từ ngày 6-6 đến 9-6) vừa qua, hơn 362 triệu cử tri ở 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã được kêu gọi đi bỏ phiếu bầu 720 vị dân biểu của Nghị viện châu Âu (EP).

Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử lần này cao hơn lần bầu cử EP cách đây 5 năm (tỷ lệ 50,66%), nhưng cũng chỉ xấp xỉ 55%.

Kết quả, liên minh các đảng nhân dân châu Âu giành về thêm được vài ghế dân biểu. Tập hợp của các đảng xã hội dân chủ bị mất vài ghế dân biểu. Liên kết các đảng dân chủ - tự do cũng vậy. Ba phe cánh này có được tất cả khoảng 400 ghế dân biểu và do vậy có thể tiếp tục đề cử nhân sự nắm giữ những cương vị quyền lực chủ chốt trong các thể chế tổ chức của EU. Vì thế, phe này quả quyết là nền tảng quyền lực của họ trong EP và EU vẫn ổn định.

Nhìn vào bề ngoài đúng là như vậy, nhưng trong thực chất lại không hẳn vậy. Phe này vẫn duy trì được đa số trong EU; phe cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa thắng lớn là hai kết quả chủ chốt đã được dự báo trước ở cuộc bầu cử EP năm nay. Dù vậy, cả EU vẫn bị sốc nặng bởi mức độ thắng cử của các đảng phái chính trị, các phe cánh và lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa.

Ở Đức, phe cánh này đứng ở vị trí thứ hai, trước tất cả 3 đảng hiện liên minh cùng nhau cầm quyền. Ở Áo, phe này trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất. Ở Pháp, phe này đạt được tỷ lệ phiếu bầu cao hơn gấp đôi đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron, buộc ông Macron phải ngay lập tức giải tán Quốc hội và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. Ở Bỉ, Thủ tướng Bỉ đã phải từ chức. Ở Hà Lan, phe này ngang ngửa với tất cả các đảng phái lớn khác. Ở Italia, phe này vẫn duy trì được vị thế quyền lực hàng đầu.

Kết quả cuộc bầu cử EP năm nay cho thấy rất rõ là EU đang dịch chuyển từ trung tâm sang phía cánh hữu. Trong nhiều năm qua, EU đã nỗ lực rất nhiều, tìm mọi cách để ngăn cản chiều hướng thiên hữu trong diễn biến tình hình chính trị - xã hội ở các nước thành viên, nhưng giờ xem ra không được thành công nhiều. Phe cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa tiếp tục lớn mạnh trước hết bởi EU đã không giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra lâu nay, hoặc đã không thành công với việc làm cho người dân trong EU thật sự thuyết phục bởi những thành quả mà EU đạt được.

Kinh tế tăng trưởng trì trệ, nội bộ EU lục đục, thiếu triệt để và nhất quán trong việc thực hiện những cuộc cải tổ thể chế cần thiết; cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, xung khắc thương mại với Trung Quốc, vấn đề người tị nạn và di cư... Tất cả những vấn đề này đều ám ảnh cử tri trong EU, khiến họ suy giảm mức độ tin tưởng rằng EU còn có đủ năng lực và tiềm lực cũng như bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược để giải quyết được chúng.

Kết quả cuộc bầu cử EP năm nay còn là thất bại lớn đối với đảng Xanh ở các quốc gia thành viên EU. Nó cho thấy cử tri trong EU bắt đầu không còn quan tâm nhiều và để ý đến chủ đề nội dung bảo vệ khí hậu trái đất như trước nữa.

Qua đây có thể thấy, EU bước vào thời kỳ khó khăn mới khi chiều hướng diễn biến tình hình chính trị - xã hội dịch chuyển từ trung tâm sang phía cánh hữu. Chương trình nghị sự của EU cho nhiệm kỳ 5 năm tới vì thế sẽ không thể "cứ tiếp tục như trước" mà sẽ thay đổi nhiều, nội bộ càng phân rẽ, việc hậu thuẫn Ukraine trở nên khó khăn, mở rộng liên minh khó khả thi. Câu hỏi lớn đặt ra là EU bị báo động như vậy thì có thức tỉnh không?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không bất ngờ vẫn... gây sốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.