Luận đàm thời sự

Chiến tranh qua tay kẻ khác

Đại sứ Trần Đức Mậu 31/05/2024 - 06:50

Những ngày qua, ở nhiều quốc gia châu Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ồn ào sôi động tuyên bố, phát biểu và tranh luận về việc Ukraine có thể sử dụng vũ khí được các thành viên NATO cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga hay không.

Từ khi bùng phát cuộc chiến ở Ukraine đến nay, Mỹ và các thành viên NATO khác ở châu Âu đã dồn dập cung cấp vũ khí, bom đạn và tên lửa cho Ukraine. Quốc gia này cũng đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ của Nga và đạt được kết quả nhất định nhưng chưa làm xoay chuyển tình thế trên chiến trường ở Ukraine.

Cũng đã có những đồn thổi nhất định về việc thành viên NATO này hay thành viên NATO khác đưa binh lính chính quy hoặc đánh thuê bí mật tới Ukraine trực tiếp giao chiến với quân đội Nga. Nhưng sử dụng vũ khí của các thành viên NATO để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ của Nga lại là chuyện hoàn toàn khác về bản chất, ý nghĩa và tác động.

Mỹ viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine và cho đến nay vẫn kiên định quan điểm không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được Mỹ cung ứng để tấn công vào sâu lãnh thổ của Nga.

Trong khi đó, những thành viên NATO ở châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Séc, ba nước Baltic, Đan Mạch và cả Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đều đã bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí được các quốc gia này cung cấp để tiến hành những cuộc tấn công quân sự vào các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Nga. Các quốc gia châu Âu này đều lập luận rằng Ukraine có quyền làm tất cả để tự bảo vệ và như thế phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thực chất, đấy là sự chuẩn bị dư luận và những toan tính cho việc NATO can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tranh ở Ukraine. Những gì NATO và các thành viên đã làm cho tới nay là gián tiếp chiến tranh với Nga thông qua Ukraine. NATO không thể và không dám dùng danh nghĩa của liên minh quân sự này đưa binh lính đến tham chiến ở Ukraine.

Nhưng hiện tại, việc tuyên bố Ukraine có thể sử dụng vũ khí được NATO cung cấp để thực thi những hoạt động tấn công quân sự vào sâu bên trong lãnh thổ Nga đã cho thấy một nấc mới trong cuộc đối đầu với Nga.

NATO đẩy mạnh chủ trương ấy bằng việc để cho các thành viên tự ý quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được họ cung cấp thực hiện tấn công quân sự vào sâu bên trong lãnh thổ Nga, tiếp đến là để cho các thành viên tự quyết hoặc cùng nhau quyết, nhưng không trong danh nghĩa NATO, việc đưa binh lính chính quy hay lính đánh thuê sang tham chiến trực tiếp ở Ukraine.

Mỹ hiện để cho các thành viên NATO ở châu Âu tự xoay xở vì tính chất của việc đối đầu giữa Mỹ với Nga khác biệt cơ bản so với đối đầu giữa các nước thành viên riêng rẽ của NATO ở châu Âu với Nga. Nhưng trên thực tế Mỹ cũng không ngăn cản các đồng minh ở châu Âu tiến hành chiến tranh với Nga qua tay Ukraine theo cách thức như thế.

Đối với NATO, bất đồng quan điểm trong nội bộ về chuyện này không đáng lo ngại bằng việc Ukraine ngày càng thêm thất thế trong cuộc chiến tranh với Nga.

Các thành viên NATO ở châu Âu càng thêm lo ngại Mỹ không bị ảnh hưởng tai hại trực tiếp bằng họ nếu Nga không bị thất bại trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Cho nên họ phải đi trước NATO và mở đường cho tổ chức này, tạo sự đã rồi để khích lệ Mỹ hành động theo. Xem ra, họ kỳ vọng làm như thế sẽ giúp Ukraine xoay chuyển được tình thế. Và chỉ khi Ukraine xoay chuyển được tình thế thì họ mới có thể tiếp tục đến cùng cuộc chiến với Nga... qua tay kẻ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến tranh qua tay kẻ khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.