Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không ai muốn chậm chân trong "cuộc chơi" ô tô điện

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 11/05/2023 19:14

(HNMO) - VinFast ghi nhận doanh số kỷ lục, Mercedes-Benz hé lộ kế hoạch xe điện đầy tham vọng, BMW bước chân vào lĩnh vực điện hóa… là những tín hiệu cho thấy cuộc chơi xe điện tại Việt Nam đang nóng dần.

Sự xuất hiện của VF 5 và dự án taxi điện GSM đã thúc đẩy đáng kể doanh số của VinFast.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh ngày 11-5 của VinFast, hãng này đã bàn giao 3.798 ô tô điện tới tay người tiêu dùng trong tháng 4-2023. Số này gồm 36 chiếc VF 5 Plus, 2.332 chiếc VF e34, 1.232 chiếc VF 8 và 198 chiếc VF 9. Trong đó, VF 5 Plus là mẫu xe mới được chính thức bàn giao cho những khách hàng đầu tiên từ ngày 21-4.

Như vậy, lũy kế 4 tháng đầu năm nay, VinFast đã bàn giao 5.487 ô tô điện tại thị trường Việt Nam, bao gồm 36 chiếc VF 5 Plus, 3.105 chiếc VF e34, 2.097 chiếc VF 8 và 249 chiếc VF 9. Mặc dù một phần lớn trong số này là xe phục vụ dự án taxi GSM “gà cùng một mẹ”, nhưng không thể phủ nhận lượng xe điện ra đường ngày càng lớn đang xây dựng nền tảng quan trọng cho giao thông xanh ở Việt Nam. 

Dĩ nhiên, VinFast không phải hãng xe nhìn ra những tiềm năng trong sân chơi xe điện tại Việt Nam. Hiện nay, Skoda, BYD, Chery, Wuling… đều đang “xếp hàng” chờ xâm nhập thị trường với các mẫu sản phẩm điện hóa giá rẻ. 

Một số thương hiệu khác của Trung Quốc cũng đang có kế hoạch vào thị trường Việt Nam và đầu năm 2022, Chủ tịch Great Wall Motor (GWM) đã thông báo dự định triển khai sản xuất và bán hàng tại một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, thông qua thương hiệu Haval chủ lực.

Tuy nhiên, gây chú ý nhiều hơn cả trong nhóm xe Trung Quốc lúc này là SAIC. Hãng xe sở hữu thương hiệu MG ngay trong năm nay sẽ tham gia trực tiếp vào việc phân phối dòng xe gốc Anh này ở thị trường Việt Nam, không còn thông qua nhà phân phối độc quyền TC Services như trước kia. Theo các chuyên gia ô tô, việc SAIC mang các dòng xe điện MG như MG4 hay MG ZS EV… vào “thử sức” là điều có thể dự đoán trước. 

BMW là cái tên mới nhất tham gia sân chơi ô tô điện tại Việt Nam.

Ở nhóm xe sang, tháng 4 cũng đánh dấu việc lần đầu tiên BMW mang các mẫu xe điện tới người tiêu dùng trong nước, khởi đầu với sedan hạng sang i7. Về phần mình, sau khi đạt được những thành công nhất định với sedan EQS, Mercedes-Benz Việt Nam trong ngày 9-5 vừa qua đã công bố chiến lược phát triển mới, tập trung nhiều hơn vào các mẫu xe điện chạy pin. 

Theo đó, trong năm 2023, tầm nhìn của thương hiệu đã 137 năm tuổi này dành cho thị trường Việt Nam 3 mẫu SUV điện: EQB - SUV hạng sang cỡ nhỏ, EQE - SUV hạng sang cỡ trung và EQS SUV - SUV hạng sang cỡ lớn. Đi cùng sự phát triển về sản phẩm, Mercedes-Benz cũng điều chỉnh đáng kể chiến lược kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, toàn bộ hệ thống 16 nhà phân phối của Mercedes-Benz Việt Nam sẽ không chỉ bán hàng, mà còn có thể sửa chữa, bảo hành... cho các sản phẩm thuần điện kể từ tháng 7-2023. 

Bên cạnh những tham vọng, đại diện các hãng xe đều thừa nhận rằng, để Việt Nam thực sự có một thị trường ô tô điện đủ rộng, trước hết phải có một lượng xe đủ lớn ra đường. Bởi lẽ, chỉ có doanh số tốt mới tạo ra được động lực để các nhà sản xuất, không chỉ các hãng ô tô mà cả các bên thứ ba, dành sự quan tâm và quyết tâm đầu tư về hạ tầng hỗ trợ, đặc biệt là hạ tầng sạc. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam Bradley Kelly, trong bối cảnh xe điện mới chỉ ở giai đoạn chớm đầu phát triển tại Việt Nam, việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng là tiền đề bắt buộc. “Nếu chúng ta nhìn ra các nước đã phát triển về xe điện, một đặc điểm chung là họ đều đã trải qua những ngày đầu rất vất vả trong việc thiết lập hạ tầng sạc” - ông B. Kelly chia sẻ. 

Lãnh đạo của Mercedes-Benz Việt Nam cũng cho rằng, cho tới khi có được một hạ tầng sạc công cộng phủ rộng hiệu quả, các hãng xe lúc này nên hướng tới việc cung cấp cho người dùng những giải pháp sạc linh hoạt để họ có thể lựa chọn tùy theo thực tế sử dụng chiếc xe xanh của mình.  

Quan điểm trên tương đồng với hướng phát triển của các tên tuổi lớn khác của ô tô Đức. Đơn cử, Audi, Porsche... sau khi đã giới thiệu một số xe điện ra thị trường Việt Nam, hiện đang tập trung vào nỗ lực xây dựng hạ tầng sạc và tung ra nhiều giải pháp sạc điện đa dạng cho xe, từ bộ sạc bán kèm cho tới các trạm sạc lắp đặt tại nhà, thậm chí là xây dựng các khu nghỉ chờ sạc cao cấp… 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, sự sốt sắng mà các hãng xe thể hiện cho thấy rõ nét rằng, không một hãng nào muốn chậm chân trong cuộc chơi mới tại Việt Nam. Dù lúc này vẫn còn quá sớm để bình luận về cơ hội thành công của các tham vọng, nhưng mọi nỗ lực cạnh tranh sòng phẳng sẽ mở ra cơ hội sở hữu ô tô điện giá tốt, đa dạng lựa chọn cho người Việt trong tương lai gần. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không ai muốn chậm chân trong "cuộc chơi" ô tô điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.