(HNM) - Liên hoan múa đương đại Hanoi Dance Fest lần đầu tiên được Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức, sẽ gồm 2 buổi biểu diễn vào 20h ngày 28 và 30-6, tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).
Khác với liên hoan múa đương đại “Sự gặp gỡ Á - Âu” là những cuộc giao thoa giữa nghệ thuật múa phương Đông và phương Tây, Hanoi Dance Fest là một sân chơi nghệ thuật cho các biên đạo trẻ tài năng (dưới 34 tuổi) giao lưu, học hỏi, đồng thời đem đến cơ hội cho khán giả Việt Nam khám phá những dấu ấn và giá trị thẩm mỹ được truyền tải qua múa đương đại. Đáng mừng là liên hoan đã quy tụ được nhiều nghệ sĩ tài năng trong nước và quốc tế, như Trần Tiến Huy (Huy Trần), Xuân Lê, Vũ Ngọc Khải, Nguyễn Duy Thành, James Sutherland, nhóm Baydanc với những tác phẩm mới nhất.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Giám đốc Nghệ thuật liên hoan khẳng định: “Múa không phải là câu chuyện của cơ bắp, mà là câu chuyện của tư duy. Đó là hành trình cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống rồi truyền tải qua ngôn ngữ hình thể đến khán giả. Thông qua Hanoi Dance Fest, các nghệ sĩ múa trẻ tài năng của Việt Nam đang hoạt động trong nước và quốc tế sẽ truyền cảm hứng tới giới nghề và khán giả, từ đó cùng tìm ra nội dung, ý tưởng, cấu trúc nghệ thuật và xu hướng đương đại trong tương lai cho múa Việt Nam”.
Vở múa “Đa chiều” của biên đạo Huy Trần. |
Liên hoan gồm 6 tác phẩm, chia thành hai buổi diễn, sẽ đem đến nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả thông qua những chuyển động hình thể kết hợp với âm nhạc, ánh sáng, thiết kế sân khấu. Trước tiên phải kể đến vở “Đa chiều” của nghệ sĩ Huy Trần - nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam được chọn giữ cương vị đồng Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Tanzania der Pfalztheater Kaiserslautern (Đức). Với cùng một vũ đạo được thực hiện lặp lại, nhưng bằng sự kết hợp âm nhạc, ánh sáng, đạo cụ sân khấu khác nhau, nghệ sĩ sẽ đem đến cho khán giả những cảm xúc khác biệt, từ tĩnh lặng, buồn rầu đến rộn ràng, vui tươi.
Một nghệ sĩ Việt khá thành danh ở nước ngoài là Vũ Ngọc Khải - đang làm việc tại Nhà hát Konzert Theater Bern (Thụy Sĩ), sẽ thể hiện tác phẩm “Đáy giếng” mang đậm màu sắc văn hóa Việt. Đưa những hình ảnh quen thuộc như lũy tre, sân đình, giếng nước, chiếu cói… lên sân khấu kết hợp với chuyển động cơ thể, nghệ sĩ muốn soi rọi chính mình trong mối tương quan với thiên nhiên và văn hóa. Biên đạo, nghệ sĩ múa Nguyễn Duy Thành - nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên kết hợp hip-hop, ngôn ngữ múa đương đại với văn hóa Á Đông trong một tác phẩm hoàn chỉnh, sẽ tiếp tục đi theo hướng này trong tác phẩm “Thán” lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng.
Có lẽ, được trông đợi nhất tại liên hoan này là phần biểu diễn tác phẩm “Vòng lặp” của biên đạo múa kiêm vũ công người Pháp gốc Việt Xuân Lê. Là chủ nhân của giải Vô địch nước Pháp và đứng hạng 6 giải Vô địch trượt patin thế giới năm 2009, nghệ sĩ Xuân Lê chuyển tải câu chuyện về sự vươn lên trong cuộc sống của con người thông qua việc kết hợp giữa nghệ thuật trượt patin, tung hứng, múa đương đại và nhảy hip-hop. Chắc chắn, khán giả sẽ bị "thôi miên" trên sân khấu trước một khối cầu trong suốt, liên tục thay đổi cường độ ánh sáng, màu sắc và chuyển động tương tác với từng vũ điệu của nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, liên hoan còn mang đến hai tác phẩm có ý tưởng mới mẻ, thú vị là “Nữ giới” của biên đạo múa người Scotland James Sutherland và “Khối bất kỳ” của nhóm Baydanc gồm các nghệ sĩ trẻ Việt Nam có xuất thân nghệ thuật khác nhau.
Trong Hanoi Dance Fest, mỗi tác phẩm một màu vẻ, một cách thể hiện nhưng đều cho thấy nét văn hóa độc đáo của mỗi quốc gia mà nghệ sĩ được nuôi dưỡng và tiếp cận. Theo Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, đây chính là điểm mấu chốt để tạo tinh thần mới cho nghệ thuật múa Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.