Ngày 1/9, tại Trà Vinh, Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh và UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo khởi động kỹ thuật Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (AMD) tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần hiệu quả vào phòng, chống BĐKH ở khu vực ĐBSCL (Ảnh: www.tinmoitruong.vn) |
Theo ông Roshan Cooke, chuyên gia môi trường và khí hậu của IFAD, để dự án thực hiện mục tiêu đề ra, trong 5 ngày hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung bàn giải pháp về việc tăng cường sinh kế cho các hộ nông dân nghèo, như: lựa chọn các mô hình cây trồng, vật nuôi, các mô hình phi nông nghiệp phù hợp với từng địa phương, xây dựng kế hoạch hoạt động chuỗi cụ thể, nhân rộng kết quả thành công của các mô hình thích ứng; có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Các đại biểu cũng cần trình bày chi tiết trình tự các hoạt động trong 6 năm thực hiện dự án, nêu những thách thức và tiềm năng, cơ chế và giải pháp thực hiện nhằm đưa ra phương án thực hiện dự án tốt nhất trên địa bàn từng tỉnh.
Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre và Trà Vinh được thực hiện từ 2014-2020, trên địa bàn 30 xã của 8 huyện thuộc tỉnh Bến Tre và 30 xã thuộc 7 huyện thuộc tỉnh Trà Vinh, do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế tài trợ. Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án là 1.034 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn vay của IFAD hơn 426 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của IFAD hơn 252 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam gần 159 tỷ đồng, số tiền còn lại do người hưởng lợi đối ứng.
Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi; nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các địa phương được chọn thực hiện dự án sẽ được hỗ trợ các hoạt động và chương trình như: xây dựng khung quản lý thích ứng biến đổi khí hậu trên lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn cho cộng đồng; hỗ trợ lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lồng ghép yếu tố khí hậu; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện các nghiên cứu và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với những điều kiện xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt…
Ngoài ra, các địa phương tham gia dự án còn được thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển và các nhóm tiết kiệm tín dụng phụ nữ nhằm giúp hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất đúng mục đích và hiệu quả để thoát nghèo bền vững./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.