(HNMO)- Ngày 26-2, tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học về “Khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam biên soạn Bách khoa toàn thư.
Tham dự có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, Chủ nhiệm đề án chủ trì hội nghị; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo; PGS.TS Lại Văn Hùng – Tổng Thư ký, Ban thư ký đề án và nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham dự và đóng góp ý kiến.
Bách khoa toàn thư(BKTT) là sự kết tinh tri thức, văn hóa, văn minh, văn hiến của toàn bộ tiến trình phát triển lịch sử nhân loại và lịch sử của từng dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay ngân hàng BKTT ở nước ta đang quá nghèo nàn và hầu như không tồn tại.
GT.TS Nguyễn Xuân Thắng – Phó CT Hội đồng Chỉ đạo, Chủ nhiệm Đề án, tại Hội thảo. |
Việc biên soạn BKTT tổng hợp của tri thức khoa học nói chung đã trở nên phổ biến và được cập nhật thường xuyên từ rất sớm, nhất là ở những nước phát triển như Âu – Mỹ. Ở Nga (Xô Viết), Trung Quốc hay Âu – Mỹ, hầu như tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội đều đã được soạn thành BKTT; có đến hàng trăm bộ Bách khoa thư khác nhau, bên cạnh bộ Bách khoa thư về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, công nghệ … Hiện nay nước ta đang tiến hành đổi mới đất nước, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đặc biệt đang bước vào công cuộc đổi mới căn bản về giáo dục với hi vọng có những bước đột phá chưa từng có từ trước tới nay. Chính vì vậy, BKTT sẽ là một công cụ hữu ích, phục vụ thiết thực nhất cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nâng cao dân trí, đưa đất nước vào quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới.
Cho đến nay, BKTT đã trở nên quen thuộc với rất nhiều nước trên thế giới, hầu như tất cả các quốc gia phát triển đều có Bách khoa toàn thư. Từ khi ra đời, với tiêu chí là gom gộp và phân loại tri thức, BKTT đã hình thành nhiều loại hình biên soạn. Tuy nhiên, gốc nghĩa vẫn không hề thay đổi là: “đào tạo trí thức theo một chu trình”.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam biên soạn Bách khoa toàn thư, nên Hội đồng có nhiệm vụ thông qua công trình khoa học lớn này để thu tập tối đa những tri thức cơ bản, chuẩn xác của nhân loại và của nước ta về mọi lĩnh vực, qua đó làm kho dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở kho tư liệu đó, thời gian tiếp sau có thể biên soạn những bộ bách khoa toàn thư thuộc các loại hình khác, phục vụ cho những nhu cầu thiết thực của xã hội, của thị trường.
Đề án Bách khoa toàn thư Việt Nam trong thực tế đã hình thành từ những năm đầu của thế kỷ này do Hội đồng Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam đề xuất. Sau khi Hội đồng chấm dứt hoạt động, công việc được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thực hiện từ năm 2010. Sau một thời gian dài soạn thảo và chỉnh sửa, góp ý rất công phu, xin ý kiến các bộ, ngành đến 28-7-2014, Đề án chính thức được Chính phủ phê duyệt. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu của Đề án là: “Góp phần nâng cao dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; Trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới trong đó chú trọng những tri thức cần thiết đối với Việt Nam; Bảo đảm tính khoa học, tính dân tộc và tính hiện đại; Bảo đảm tính chuẩn mực và tính hệ thống; Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Được biết, bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ biên soạn là loại hình tổng hợp, cỡ lớn, phản ánh những thành tựu, những tri thức xưa và nay của nhân loại và Việt Nam, từ khoảng hơn 70 chuyên ngành thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học nhân văn, văn hóa nghệ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và công nghệ… gồm 37 tập, có thể in và xuất bản trực tuyến.
Tại buổi Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng có chung một quan điểm là làm sao để có thể xây dựng một bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam chung và thống nhất, tránh những xung đột, tranh luận về sau là điều rất quan trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.