LTS: Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung trọng tâm trong triển khai Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và là giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Báo Hànộimới có loạt bài “Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước” giới thiệu về chuyên đề quan trọng này.
Vấn đề độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân là xuất phát điểm, là nguồn gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để hiểu rõ nội hàm trên, trước tiên cần làm rõ đâu là những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về ý chí tự lực, tự cường - nguồn sức mạnh vô địch của dân tộc ta.
Tiền đề của thành công
Theo tài liệu chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Ban Tuyên giáo Trung ương, có 5 nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường.
Trước tiên, ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế. Trên hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không tán thành với quan điểm của hầu hết các Đảng Cộng sản ở châu Âu khi cho rằng, cách mạng ở các nước thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng ở các nước tư bản (chính quốc); cách mạng ở các nước thuộc địa không thể thắng lợi khi cách mạng vô sản ở chính quốc chưa thắng lợi. Người cho rằng, với ý chí, khát vọng đấu tranh mãnh liệt, bất khuất vì độc lập, tự do, cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi.
Bên cạnh đó, ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, nhưng “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là minh chứng sống động nhất về sức mạnh dân tộc, mà chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, kết hợp chủ nghĩa quốc tế trong sáng là nhân tố quy tụ, thúc đẩy, hòa quyện, kết tinh mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài, sức mạnh của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam, kiên cường đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Ý chí tự lực, tự cường còn là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng. Theo Người, điều kiện trước hết là phải có một Đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Nhờ có sự chủ động, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chỉ trong vòng 15 ngày, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra mau lẹ, giành thắng lợi hoàn toàn trên cả nước. Mệnh đề này tiếp tục được phát triển và khẳng định trong các giai đoạn cách mạng sau, đặc biệt trong 35 năm đổi mới.
Chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân
Tiếp theo, ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được”.
Nội dung cơ bản nữa của ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc. Ngay sau khi giành được độc lập, đất nước ta đã phải chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Nhờ ý chí đó, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trước một cuộc chiến tranh khốc liệt chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao quyết tâm trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Phải giành thắng lợi quyết định trong một thời gian, ta không nói mấy năm, mấy tháng, mấy ngày, nhưng trong một thời gian càng ngắn càng tốt”. Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Trong bản Di chúc, Người đã khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.
Chiến thắng lịch sử 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một lần nữa khẳng định ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam. Đó là nguồn sức mạnh vô địch, được hun đúc từ chiều sâu lịch sử nghìn năm, hội tụ và tỏa sáng từ trí tuệ và bản lĩnh Hồ Chí Minh, lan tỏa tạo thành động lực cho toàn Đảng, toàn dân tộc ta.
(Còn nữa)
(Theo Tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.