(HNM) - Ngày 15-3, TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Hội nghị đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tập trung tạo điều kiện cho các hộ dân chủ động thoát nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Những tín hiệu vui…
Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo (2011-2015), tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 7,52%, xuống còn 0,96% (hoàn thành trước mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn này là 2%). Thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố hiện tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010.
Một lớp học nghề sửa chữa ô tô. Ảnh minh họa. |
Bên cạnh những chính sách chung, thành phố còn ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ các nhóm đối tượng đặc biệt như: Áp dụng mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội cao hơn mức chuẩn của Trung ương; trợ cấp cho người già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 100% người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ xây, sửa nhà ở xuống cấp, hư hỏng nặng… Ngoài ra, nhiều địa phương cũng có chính sách đặc thù hỗ trợ người nghèo như: Dạy nghề và cung cấp phương tiện làm việc ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy; trợ cấp hằng tháng cho hộ nghèo ở quận Long Biên; xây nhà ở và cấp tiện nghi sinh hoạt thiết yếu cho một số hộ đặc biệt khó khăn ở quận Hà Đông…
Nhờ những chính sách nhân văn, ý nghĩa nên chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc được cải thiện, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng với miền núi, giữa nông thôn và thành thị… Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết: “Nhờ tập trung nguồn lực ưu tiên hỗ trợ cho các khu vực khó khăn, nên tỷ lệ hộ nghèo ở 7 xã miền núi, 16 thôn đặc biệt khó khăn của Ba Vì hiện đã giảm xuống 4,51%, không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 20%”.
Tuy nhiên, công tác xóa đói, giảm nghèo vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, kết quả giảm nghèo của thành phố còn chưa mang tính bền vững. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành cho rằng, tồn tại trên có nguyên nhân từ việc một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu chủ động trong công tác chỉ đạo, đánh giá hộ nghèo chưa sâu sát, chưa tìm được đúng nguyên nhân dẫn đến nghèo để có giải pháp hỗ trợ, khắc phục phù hợp. Không ít hộ nghèo nhận thức về vấn đề giảm nghèo còn hạn chế, thậm chí có tư tưởng ỷ lại, thụ động không muốn thoát nghèo, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của toàn thành phố.
Giai đoạn 2011-2015, toàn thành phố có 620.786 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo; 1.235.058 lượt người nghèo, cận nghèo, người dân các xã thuộc Chương trình 135 được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 3.793 hộ nghèo được cải tạo, xây dựng nhà mới... 100% xã vùng dân tộc, miền núi có trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố và trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia về y tế. |
Chính quyền "đi cùng" người nghèo
Giúp người nghèo cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, tự vươn lên thoát nghèo và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản là mục tiêu hướng đến của chính quyền TP Hà Nội khi ban hành Quyết định số 824/QĐ-UBND (ngày 10-2-2017) về Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội phấn đấu không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; tỷ lệ hộ nghèo của thành phố dưới 1,2%; riêng tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn ở dưới mức 1,5% và tỷ lệ hộ nghèo tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống 3%.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia vào Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính quyền các địa phương cần “đi cùng” người nghèo, phân tích nguyên nhân cụ thể dẫn đến nghèo, đánh giá tình trạng nghèo sát thực, dân chủ, minh bạch để thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo sát với nhu cầu, nguyện vọng của hộ nghèo; vận động người dân tích cực sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật, tự vươn lên thoát nghèo. Xây dựng các chính sách riêng, đặc thù hỗ trợ người nghèo ở địa phương cho phù hợp; hưởng ứng phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau”; tôn vinh doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững…
Chỉ khi tạo được sự đồng lòng, chung sức, đưa phong trào giảm nghèo trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, khi đó mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp mới được hiện thực hóa một cách trọn vẹn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.