(HNM) - Hiện tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai là 4.370 tỷ đồng với 117.500 khách hàng đang vay vốn. Trong số này, phần lớn nguồn vốn được cho vay từ chương trình giải quyết việc làm. Qua đó, giúp người lao động tự do, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn có vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã giải quyết hơn 17.600 trường hợp vay với tổng số tiền trên 665,1 tỷ đồng. Trong đó, chương trình cho vay tạo việc làm có hơn 7.500 người được vay với số tiền đạt hơn 419,1 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều lao động tự do đã có cơ hội được làm nghề mà mình mong muốn. Ông Võ Văn Nam (ngụ ấp Chính Nghĩa, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) cho hay, gia đình ông có 4 sào đất trồng cây ăn quả. Lâu nay, gia đình tạo ao trữ nước mưa để tưới. Ông rất muốn khoan giếng tại khu vực được phép để tưới cây, nhưng chi phí lên đến hơn 100 triệu đồng/giếng, quá khả năng chi trả của gia đình. Năm 2022, khi nghe về tín dụng chính sách, ông Nam đã mạnh dạn vay vốn, chủ động nước tưới cho vườn sầu riêng. Hiện cây phát triển tốt, gia đình ông rất kỳ vọng vào mùa thu hoạch trong 4 năm tới.
Tương tự, anh Đỗ Anh Nhật (ngụ ấp Nguyễn Thái Học, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho biết, đầu năm 2023, anh được nhận vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thống Nhất để đầu tư cho doanh nghiệp gia đình chuyên kinh doanh nước tẩy rửa, nước xả vải. Dù khởi đầu còn nhiều khó khăn, nhưng anh Nhật rất vui vì đã có thể theo đuổi đam mê của bản thân. "Tôi và em trai đã thống nhất sẽ tiếp tục vay vốn tín dụng chính sách để cải tạo vườn cây ăn trái của gia đình, trồng thêm những loại cây ăn quả khác ngoài chôm chôm, tạo thêm việc làm và thu nhập", anh Nhật chia sẻ.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên thông tin, đến nay toàn tỉnh đã có hệ thống mạng lưới 2.406 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, đơn vị cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, hội đoàn thể nhận vốn ủy thác, chính quyền các cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện thủ tục vay vốn, bảo đảm đúng đối tượng vay, vốn vay đúng mục đích và giám sát sau vay vốn. Đồng thời, các địa phương cũng tích cực bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai để kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn vay của người dân. "Người vay vốn cũng cần thể hiện trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn, lãi đúng thời gian quy định, có sự tính toán kỹ lưỡng trong sử dụng vốn nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình làm ăn", ông Lê Bá Chuyên nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng nhận định, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và có tính nhân văn sâu sắc, góp phần chăm lo cho người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, tạo điều kiện để người nghèo và đối tượng chính sách có vốn để sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng sống, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh và công bằng xã hội. Tỉnh đã yêu cầu, cần tập trung thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các chương trình tín dụng chính sách nhằm đưa thông tin đến với người dân. Từ đó, giúp người dân hiểu và tham gia vào các chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai một cách có trách nhiệm.
Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với những chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai, bảo đảm không bỏ sót đối tượng, song phải đúng với các quy định… "Mục tiêu chung là sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ tốt cho người dân có vốn sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, không ngừng cải thiện chất lượng sống của người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương", ông Nguyễn Sơn Hùng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.