(HNM) - Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt từ 6,5% đến 7%/năm.
Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam. Ông Thân Đức Nam cho biết:
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam. Ảnh: Internet |
- Nếu chúng ta giữ được đà tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì mục tiêu trên là phù hợp. Trước mắt, để đạt được mục tiêu GDP tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, ngành nông nghiệp cần có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn nạn được mùa mất giá, chống hạn hán và xâm nhập mặn. Giá dầu thô đang ở mức khoảng 40 USD/thùng, được đánh giá là đã thoát đáy. Giá dầu tăng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dầu khí - ngành thường đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế vào cuối năm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những chỉ đạo quyết liệt nhằm chuyển đổi thành công mô hình sản xuất, tránh tình trạng Việt Nam chỉ là công xưởng gia công cho các tập đoàn đa quốc gia...
- Tuy nhiên, để đến năm 2025, GDP tuyệt đối tăng gấp đôi hiện nay (đạt khoảng 400 tỷ USD) như kỳ vọng thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm phải cao hơn nữa, thưa ông…
- Tôi cho là về lâu dài, tốc độ GDP phải đạt 7,5%/năm. Chúng ta có lực lượng doanh nhân trẻ và năng động, đang trong thời kỳ dân số vàng. Chính phủ đang tập trung thực hiện chức năng kiến tạo phát triển, nghĩa là xây dựng khuôn khổ thể chế kinh tế phù hợp và tạo mọi điều kiện để mọi người phát huy năng lực, sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Chủ trương này không chỉ hứa hẹn khởi đầu một bước đột phá về huy động nguồn lực, mà còn giảm mạnh việc bao cấp của Nhà nước tồn tại trong nhiều loại hình dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp cung cấp, để khu vực kinh tế tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng xã hội hóa không chỉ để huy động nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Và chỉ có như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu quả.
- “Sức khỏe” của doanh nghiệp là vấn đề cốt lõi trong hội nhập. Tuy nhiên, quý I năm nay, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động lại tăng mạnh. Phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
- Mặc dù khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thể hiện vai trò động lực của nền kinh tế, nhưng gần đây có phần đuối sức trong xu thế cạnh tranh gay gắt và hội nhập. Để tăng cường hơn nữa “sức khỏe” doanh nghiệp, rất nên lồng ghép nội dung, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ vào dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ theo chương trình xây dựng pháp luật 2016 của Quốc hội, bởi vì công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực chủ yếu của đối tượng này. Mặt khác, cần có các biện pháp cải thiện hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn lực ưu đãi từ vốn, đất đai tới công nghệ... đồng thời giám sát chặt chẽ, liên tục điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Có như vậy mới thúc đẩy các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.
- Cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.