Hà Nội kết nối

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2024 dự kiến đạt 18,6%

Minh Tuấn 14/11/2024 - 16:35

Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6%.

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II diễn ra tại tỉnh Bình Dương ngày 14-11, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

cn.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc. Ảnh: BTC

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo báo cáo của Google, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6%. Và chúng ta sẽ đạt 20% vào năm 2025, đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho biết, thành phố tiếp tục hoàn thiện kế hoạch xây dựng chính quyền số đến năm 2025, đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số năm 2024 là 22%; 25% vào năm 2025 và 40% đến năm 2030.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố Hồ Chí Minh xác định việc thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển kinh tế số sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới...

Thành phố chủ trương hỗ trợ kinh phí, tư vấn, giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số phải đạt tối thiểu 60%.

cn7.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tham quan triển lãm các ứng dụng công nghệ cho phát triển kinh tế số và xã hội số tại diễn đàn. Ảnh: BTC

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực.

Theo đó, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động phù hợp điều kiện thực tiễn cùng với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội; triển khai có hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, gắn với chủ đề của năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng văn hóa trên môi trường số, kiến tạo môi trường số văn minh, hiện đại, an ninh, an toàn.

cn2(2).jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp toàn thể. Ảnh: BTC

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, cơ quan liên quan, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, một là tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hai là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế số, cơ chế, chính sách ưu đãi, vượt trội thúc đẩy cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

Ba là tập trung phát triển công nghệ số, dữ liệu số chất lượng cao; đồng thời chú trọng phát triển các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật…

Bốn là thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng các sản phẩm Make in Viet Nam, với giá thành rẻ hơn, tốt hơn, dễ tiếp cận phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu ra thế giới.

Năm là huy động các nguồn lực cho thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, thúc đẩy phát triển nhân lực số, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi và đề án phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn.

“Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cơ quan, người dân và doanh nghiệp, Việt Nam chúng ta sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đột phá trong phát triển kinh tế số, xã hội số”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2024 dự kiến đạt 18,6%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.