Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng trống về nhận thức

Đức Huy| 18/03/2021 15:01

(HNMCT) - Không hẹn mà nên, gần đây báo chí lên tiếng nhiều hơn về vấn đề ô nhiễm tiếng ồn tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Từ lâu, cơ quan quản lý ở cả hai nơi đều vào cuộc, có giải pháp tổng thể lâu dài cũng như biện pháp cụ thể trước mắt.

Những động thái kịp thời của chính quyền rất hợp lòng dân bởi lâu nay, ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề gây nhức nhối, ảnh hưởng xấu tới cuộc sống, sức khỏe và hiệu quả lao động của cư dân đô thị, là nguồn cơn trực tiếp dẫn tới mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, không có lợi cho công tác bảo đảm an ninh trật tự. 

Với vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, phải khẳng định rằng cơ quan quản lý ngành và chính quyền thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh không thiếu sự quan tâm;luật pháp có chế tài bao quát lĩnh vực này, dù chưa tới mức hoàn hảo. Nhưng tại sao vấn đề như căn bệnh mãi không thể dứt dù thuốc đã được bốc?

Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu cho đến những ngày gần đây, trên một group Zalo của cư dân chung cư tại quận Thanh Xuân âm ỉ nội dung phản ánh về tiếng ồn. Một đơn nguyên hơn hai chục tầng với khoảng 200 căn hộ mà đủ loại tiếng ồn, từ tiếng khoan đục cho tới tiếng nhạc mở quá cỡ, tiếng quả tạ bị người tập quẳng xuống sàn nhà, tiếng kéo bàn kéo ghế từ căn hộ được cho thuê làm trụ sở công ty… Điều khiến ta ngỡ ngàng là phản ứng của các thành viên group Zalo đó: Khá ít người lên tiếng ủng hộ ý kiến phản ánh một vấn đề gây bức xúc; có người lên tiếng nhưng lại ra ý “không được gây ồn trong khoảng 22h ngày hôm trước tới 6h hôm sau”, không khác nào ngầm chấp nhận tiếng ồn “trong giờ hành chính”. Có người nêu vấn đề “tình làng nghĩa xóm” để bỏ qua vấn đề cần thảo luận…

Câu chuyện trên có ý nghĩa đại diện, chỉ ra rằng nhiều lúc chúng ta không chỉ thiếu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình khi không lên tiếng trước thói xấu, mà còn tự hạn chế quyền được sống yên bình do nhận thức còn hạn chế. Tại sao lại chấp nhận tiếng ồn quá mức cho phép “trong giờ hành chính”? Giờ ấy, đa số đi làm nhưng người già, trẻ nhỏ ở nhà, và người ốm, người làm ca đêm thì nghỉ ngơi ra làm sao? Chung cư không phải chỗ đặt trụ sở công ty, không phải nhà kho hay nơi sản xuất hàng hóa, làm sao có cái gọi là khung thời gian được phép quấy nhiễu người khác bằng cách gây ồn quá mức trừ khi ai đó được cho phép sửa chữa nhà cũng như lắp đặt thiết bị?

Từ nhà ra phố. Từ chung cư tới các khu dân cư. Ô nhiễm tiếng ồn không chỉ liên quan tới “vấn nạn karaoke”, mà còn xuất phát từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác cũng như hoạt động sống của cư dân. Tiếng còi xe, âm thanh khoan, đục, gõ, tiếng nhạc mừng lễ khai trương, tiếng rao hàng qua loa điện… có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào. Một “bản tổng phổ” không mong muốn khiến ai cũng cảm thấy mệt mỏi. Khoảng trống về nhận thức khiến chúng ta thiếu đi sự đồng lòng lên án sự xấu và là nguyên nhân khiến cho việc xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn thiếu quyết liệt, kém hiệu quả. Có phải vì thế mới xuất hiện những chuyện khó tin, như tiếng hát karaoke “quá cỡ” trong đêm từ phía đầm Hồng (Thanh Xuân) hơn nửa năm nay cứ ít hôm lại hành hạ cư dân phường Khương Đình, Khương Trung trong bán kính nửa cây số quanh đó mà không thấy ai "tuýt còi"?

Ô nhiễm tiếng ồn là bài toán quan trọng cần được giải đúng. Chúng ta có quyền hy vọng khi chính quyền các thành phố lớn đã có động thái cụ thể, dứt khoát hơn, trong đó bao gồm việc yêu cầu cơ quan công an phường, xã xác định trách nhiệm nếu không kịp thời ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm, để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Nhưng mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức, hiểu đúng vấn đề để có cách ứng xử văn minh, không gây tiếng ồn vô lý nhưng cũng không thờ ơ “ngoảnh mặt” trước hành vi vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoảng trống về nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.