Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng trống điêu khắc công cộng

Tuệ Diễm| 18/09/2015 09:04

(HNM) - Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các khu đô thị và công viên mọc lên ngày càng nhiều nhưng lại thiếu vắng những điểm nhấn nghệ thuật. Điều này thể hiện rõ ở chỗ số tác phẩm điêu khắc khiêm tốn hiện diện ở các khu vực công cộng.

Thiếu công trình tượng điêu khắc công cộng

10 năm qua, đã nhiều lần Ban giám đốc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng mời Hội Mỹ thuật thành phố đến bàn về việc trang trí khu vực công cộng bằng tác phẩm điêu khắc nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Nhiều công viên, khu đô thị mới, khu trung tâm, dọc đường Võ Văn Kiệt, bờ sông Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng thiếu vắng những tác phẩm điêu khắc khiến không gian văn hóa đô thị TP Hồ Chí Minh chưa xứng với tầm đô thị phát triển dẫn đầu cả nước. Ví dụ Phú Mỹ Hưng vẫn còn quá nhiều những bãi cỏ trống. Khu đô thị Đại học Quốc gia, ký túc xá Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng vậy. Ngay cả khi UBND TP Hồ Chí Minh chủ trương mở tuyến du lịch đường sông, thì hai bên bờ sông vẫn không có nhiều điểm nhấn ấn tượng để thu hút du khách.

Theo thống kê tại 24 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh có 50 công trình tượng, tượng đài. Trong đó, 10 tượng đài đã có từ chế độ Sài Gòn cũ, bị xuống cấp trầm trọng như: Phù Đổng Thiên Vương, An Dương Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi và Quang Trung... Sau giải phóng, UBND thành phố xây dựng thêm 40 tượng đài, chủ yếu là tượng đài lịch sử. Một số công trình tượng đài đã triển khai dở dang và đang tiếp tục được thực hiện như: Mậu Thân 1968, Nam Bộ kháng chiến, Thống nhất… Giới nghệ sĩ điêu khắc cho rằng, đây là hạn chế lớn ở TP Hồ Chí Minh trong khi các khu đô thị và các công viên công cộng mọc lên ngày càng nhiều, nhưng vắng bóng điểm nhấn nghệ thuật. Theo họa sĩ - Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy thì: "Trong 40 năm chúng ta chỉ dốc sức cho sáng tác, xây dựng tượng đài về cuộc cách mạng trong khi sự quy hoạch đô thị chưa ổn định mà ít quan tâm đến các loại tượng đài có nội dung khác. Có tới 76% tác phẩm là tượng đài về lãnh tụ, anh hùng, liệt sĩ, danh nhân. 26% còn lại là nhân vật lịch sử các triều đại phong kiến. TP Hồ Chí Minh thiếu tượng nghệ thuật sinh động phục vụ không gian văn hóa công cộng".

TS Mã Thanh Cao - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Ngành Điêu khắc nghệ thuật cần được quan tâm đúng mực và kịp thời. Không chỉ tượng đài, mà còn nhiều vấn đề phải bàn. Chúng ta thiếu hẳn hệ thống tượng trang trí công viên, không gian công cộng, trong khu vui chơi giải trí, tuyến phố đi bộ trung tâm thành phố".

Thận trọng trong quy hoạch tượng

Để giải quyết tình trạng thiếu tác phẩm điêu khắc nghệ thuật công cộng, từ năm 2005, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Trại sáng tác nghệ thuật điêu khắc quốc tế để tạo nguồn tác phẩm phục vụ cho việc trưng bày nghệ thuật. 40 tác phẩm nghệ thuật xuất sắc đã ra đời từ trại sáng tác này. Tuy nhiên, sau khi bế mạc thì toàn bộ các tượng trên được đưa vào khuôn viên chật chội của Công viên Tao Đàn thay vì đặt tại các khu đô thị, công viên, bờ sông như ở Huế và một số tỉnh đã thực hiện nhiều năm qua.

Theo điêu khắc gia Nguyễn Quân, cách đây 10 năm ông cùng nhà điêu khắc Phan Gia Hưng đã trình một ý tưởng cho thành phố về điêu khắc ven kênh, cụ thể là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tiếp đó Nguyễn Quân phối hợp cùng Bùi Hải Sơn và kiến trúc sư Bạch Anh Tuấn đưa điêu khắc nhân văn vào dải đường Trường Sa, Hoàng Sa. Trong tương lai cũng có thể đặt một số tượng mới tại phía trước Sở Du lịch, Cục Thuế, Hải quan thành phố, Công an thành phố,… Tuy nhiên, đến giờ ý tưởng này vẫn chưa được triển khai.

Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn - giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Vấn đề phát triển điêu khắc ngoài trời cần sự làm việc nghiêm khắc giữa các nhà điêu khắc và kiến trúc sư quy hoạch. Quá trình làm việc này quyết định sự sinh tồn của các tác phẩm điêu khắc ở môi trường. Nhìn ở góc độ chuyên môn thì một nền điêu khắc hiện đại phát triển phải dựa trên nền tảng quy hoạch của không gian kiến trúc".

Tiến sĩ Mã Thanh Cao - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đề xuất một số cách trưng bày tượng trong tương lai: "Tuyến đường Tôn Đức Thắng và đại lộ Võ Văn Kiệt có thể đặt các tượng danh nhân lịch sử, văn hóa để tận dụng tầm nhìn ra sông. Tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa là nơi trưng bày các tác phẩm đa dạng, đặt tượng gần cây cỏ hay một số cây cầu nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch tuyến đường sông. Ngoài ra, một số tượng nghệ thuật cần được xét để đưa vào tuyến phố đi bộ".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khoảng trống điêu khắc công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.