Ước tính đến thời điểm này, lượng kiều hối gửi về nước là 18,9 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP cả nước.
Nhiều ưu đãi "đón" kiều hối
Kiều hối về Việt Nam ngày càng tăng. |
Theo các ngân hàng thương mại (NHTM), để có lượng kiều hối "chảy" về Việt Nam ngày càng tăng trong dịp trước Tết nguyên đán, các NHTM đã triển khai những chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài, như DongA Bank, Vietcombank, Sacombank, Agribank, BIDV…
Cụ thể, Agribank vừa tổ chức chương trình khuyến mãi "Mùa kiều hối Agribank, Nhận tiền nhanh - Nhiều quà tặng". Theo đó, từ ngày 1-1-2019 đến hết ngày 28-2-2019, khách hàng nhận tiền Western Union tại quầy giao dịch của ngân hàng trên phạm vi toàn quốc sẽ có cơ hội nhận quà tặng với tổng giá trị giải thưởng là 1,6 tỷ đồng.
BIDV cũng công bố chương trình khuyến mãi với những giải thưởng có giá trị lớn như một chiếc ô tô Huyndai Accent trị giá 500 triệu đồng/giải khi khách hàng tham gia chương trình "Hành trình Tết yêu thương" bao gồm: tiền gửi có kỳ hạn, nhận tiền kiều hối (Western Union, Swift), BIDV SmartBanking, thẻ (nội địa, quốc tế), tiền gửi Online…
DongA Bank công bố giải thưởng bằng vàng miếng SJC cho khách bốc thăm may mắn. SCB cũng tặng tiền trực tiếp kèm các quà tặng có giá trị cho người nhận tiền kiều hối dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Vietcombank kết hợp với các công ty chuyển tiền danh tiếng trên thế giới (MoneyGram, UniTeller, TNMonex, Xoom, RIA và Money Polo) để nhận chuyển kiều hồi nhanh nhất, đồng thời trao giải thưởng lên tới 1 triệu đồng cho mỗi kênh nhận tiền mà khách hàng sử dụng.
Các ngân hàng cho biết, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết thường tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trong năm. Năm nay, do Tết Nguyên đán đến sớm, gần với Noel và Tết Dương lịch, kiều bào sẽ tập trung gửi tiền về dịp năm mới cho người thân ăn Tết, lì xì và mừng tuổi. Vì thế, lượng kiều hối chuyển về hứa hẹn sẽ rất khả quan.
Khởi nghiệp, phát triển kinh doanh từ kiều hối
Hơn 70% lượng kiều hối về Việt Nam qua ngân hàng và đa phần "chảy" vào sản xuất, kinh doanh. |
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị, phần lớn lượng kiều hối Việt Nam là "chảy" vào sản xuất, không những thế, lượng kiều hối theo chân Việt kiều về nước khởi nghiệp cũng ngày càng tăng và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Có thể thấy hiện nay, cả nước có gần 3.000 doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài (VNONN) đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD. Nhiều tấm gương tiêu biểu thành công như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào Canada, về nước khởi nghiệp ở tuổi 60 với chuỗi công nghệ khép kín về hóa dược và quang điện tử đầu tiên tại Việt Nam; ông Lương Thanh Văn, kiều bào Australia thành lập tập đoàn cung cấp tôm giống lớn nhất Việt Nam…
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Ủy ban về người VNONN TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm có khoảng 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài về thăm quê, tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp. Thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ và khoảng 760 doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành. Trong số này có khá nhiều các dự án xuất phát từ các ý tưởng khởi nghiệp của các Việt kiều trẻ tuổi về nước từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Pháp, Canada, Australia…
Có thể kể ra những doanh nghiệp tiêu biểu và đã khá thành công trên thị trường như: Công ty Pops Worldwide chuyên về phân phối và quản lý nội dung âm nhạc của Esther Nguyễn (Việt kiều Mỹ); mô hình hỗ trợ du lịch trực tuyến Christinas của Thu Nguyễn (Việt kiều Mỹ); ứng dụng WisePasscủa Lam Tran (Việt kiều Pháp) hay mô hình khởi nghiệp với thương hiệu nệm foam chất lượng cao Ru9 của cặp vợ chồng Trang Đặng và Vinh Nguyễn (Việt kiều Australia)…
Cần cởi mở cơ chế hơn để thu hút kiều hối
Thống kê của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, trong vòng 10 tháng đầu năm 2018, lượng kiều hối chuyển qua các TCTD trên địa bàn thành phố ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD. Trong các tháng cuối năm lượng kiều hối có xu hướng tăng mạnh, nên dự báo sẽ đạt con số khoảng 5,2 tỷ USD cho cả năm 2018.
Đại diện NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, kiều hối chuyển về nước thời gian qua chủ yếu qua 4 kênh là ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan hoặc bưu điện. Trong đó, khoảng 72% tiền gửi về qua các ngân hàng thương mại và khoảng 70% lượng kiều hối về Việt Nam chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 22% đổ vào lĩnh vực buôn bán bất động sản và số còn lại là hỗ trợ người thân, còn lại là vào các lĩnh vực khác. Ngoài ra, lượng kiều hối chủ yếu từ thị trường Mỹ (chiếm khoảng 60%), các nước châu Âu chiếm khoảng 19%, còn lại là các thị trường khác...
Mặc dù lượng kiều hối về Việt Nam qua từng năm có tăng, nhưng nhiều Việt kiều cho biết cơ chế chính sách Việt Nam vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà nên hầu hết các dự án khởi nghiệp của Việt kiều trẻ hiện nay đều vấp phải những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Theo đại diện Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh, trong số 3.000 dự án đầu tư của Việt kiều (tính đến cuối năm 2017) thì chỉ có khoảng 2/3 dự án đi vào hoạt động hiệu quả. Số còn lại gặp vướng mắc trong thủ tục đăng ký, phải chờ đợi, xét duyệt nên các nhà đầu tư tỏ ra khá lo ngại và cân nhắc trong việc rót vốn.
Để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư khởi nghiệp tại thị trường trong nước của Việt kiều trẻ, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nhà nước cần tạo ra những đột phá về chính sách đối với Việt kiều và kiều hối. Theo đó, Luật Nhà ở nên cởi mở để Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam nhiều hơn, tạo điều kiện giao lưu, gắn bó với quê hương.
Ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư, thời gian tới các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối, như: Quỹ kiều hối bất động sản; quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa… để hỗ trợ khởi nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối. Do đó, việc cởi mở hơn cơ chế, chính sách cho các Việt kiều để thu hút kiều hối là điều cần thiết nên làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.